Xóa nhầm lẫn việc bỏ thi tốt nghiệp THPT 2020

Riêng các thí sinh ở những địa phương có cách ly xã hội hay thuộc diện F1, F2 sẽ thi sau.

Vậy là đã rõ, trong năm nay không có việc bỏ thi tốt nghiệp THPT để thay bằng việc xét tốt nghiệp THPT như nhiều người từng đề nghị và giờ được nhắc lại do có dịch COVID-19. Tức việc thi tốt nghiệp THPT của các học sinh vẫn được tiếp tục thực hiện theo Luật Giáo dục 2019. Cũng không có việc ở thời điểm này Quốc hội sẽ nhanh chóng chấp thuận tạm ngưng áp dụng một quy định của Điều 34 luật này có liên quan đến việc thi tốt nghiệp THPT như một số người đã nghĩ.

Khoản 3 Điều 34 Luật Giáo dục 2019 quy định: “Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT”.

Cùng với đó, Luật Giáo dục đại học (ĐH) hiện hành và Thông tư 09/2020 của Bộ GD&ĐT (về quy chế tuyển sinh trình độ ĐH) quy định: Một trong các điều kiện để được các trường ĐH tuyển sinh là phải có bằng tốt nghiệp THPT.

Chính vì sự liên quan giữa hai luật nên việc cho tạm ngưng áp dụng điều khoản đã nêu của Luật Giáo dục 2019 vì yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội (nếu có) sẽ phải được Quốc hội xem xét thật thấu đáo. Bởi lẽ nếu tạm ngưng không tổ chức cho học sinh thi tốt nghiệp THPT trong năm nay thì các em sẽ dự tuyển vào ĐH như thế nào khi không hội đủ điều kiện về bằng tốt nghiệp THPT theo quy định của Luật Giáo dục ĐH? Trong trường hợp chỉ là dời ngày thi đã được ấn định thì phương án tiếp theo sẽ là gì để số đông học sinh không gặp trở ngại trong việc dự tuyển ĐH với phương thức, thời gian tuyển sinh cũng đã được tính toán phù hợp dựa theo ngày thi tốt nghiệp THPT đã được ấn định đó?

Rõ ràng là sẽ có rất nhiều xáo trộn từ việc dời ngày thi tốt nghiệp THPT (nếu có), đáng lo nhất là các học sinh có thể bị trễ việc học ĐH. Do vậy, nếu tình hình dịch bệnh vẫn đang ở mức kiểm soát được thì không nên để xảy ra những đảo lộn như thế.

Đáng lưu ý nữa, việc tạm ngưng thi hành một điều luật hoàn toàn khác với việc bãi bỏ một điều luật. Tạm ngưng tức sẽ vẫn áp dụng vào một thời gian sau. Trong khi đó, việc bỏ thi để thay thế bằng xét tốt nghiệp đồng nghĩa là khoản 3 Điều 34 Luật Giáo dục 2019 cùng các điều luật tương ứng của Luật Giáo dục ĐH phải được bãi bỏ.

Do Quốc hội từng rất cân nhắc và đã quyết định giữ nguyên việc thi tốt nghiệp THPT thông qua điều khoản trên nên vào lúc này thì không thể nào có việc Quốc hội bãi bỏ ngay điều khoản đó trong hai luật sửa đổi vốn dĩ còn chưa được dự thảo.

Tóm lại, dẫu việc phòng, chống dịch COVID-19 luôn phải được ưu tiên thực hiện hiệu quả nhưng không thể đơn giản muốn bỏ thi tốt nghiệp THPT là bỏ. Hiện tại, khi Quốc hội không có quyết định gì khác theo thẩm quyền thì việc thi tốt nghiệp THPT hay việc tuyển sinh ĐH vẫn phải làm đúng theo hai luật đã nêu.

Vì các lẽ trên, khi Bộ GD&ĐT đã có phương án tổ chức thi phù hợp với bối cảnh, diễn biến của dịch bệnh, phần lớn địa phương đang chuẩn bị kỹ lưỡng để có kỳ thi an toàn thì mọi người cùng nhau thực hiện thôi. Chính sự bình tĩnh, chủ động hợp tác tốt của học sinh, phụ huynh sẽ góp phần lớn trong việc ngăn chặn, giảm thiểu phát sinh sơ suất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm