Uốn éo ngôn từ, nghe càng nghịch nhĩ!

Phát ngôn về vấn đề này với báo chí, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, cho rằng các cá nhân này “có dùng tay gạt trúng vào má nhà báo Quang Thế và có hành vi giơ chân đá, mặc dù không trúng vào nhà báo”.

Với những gì đã diễn ra và được ghi lại bằng hình ảnh, clip hẳn hoi, phát ngôn trên của ông Ngọc ngay lập tức gây ra bất bình trong công luận một cách mạnh mẽ về cách dùng câu chữ. Đã có hàng trăm bài viết, hàng ngàn dòng cảm xúc phản đối cách mô tả sự việc như trên. Chưa bàn tới chuyện đúng - sai trong sự vụ này, bởi ai sai người đó chịu theo quy định của luật pháp nhưng cái kiểu nói giảm, nói tránh một sự thật đã quá rõ ràng làm cho uy tín, hình ảnh của những người trong cuộc thêm xấu đi.

Chúng ta phải tôn trọng sự thật khách quan, phải chỉ mặt đặt tên đúng sự vật, hiện tượng và hãy gọi cho đúng bản chất vấn đề. Cụ thể trong sự vụ này, rõ ràng đó là hành vi đấm thì nói là đấm, đá thì gọi là đá chứ không nói trẹo đi rằng chỉ "dùng tay gạt trúng vào má" và “giơ chân hơi cao”.

Chẳng hiểu sao vị đại diện Công an TP Hà Nội lại định nghĩa lại hình ảnh một cách mơ hồ nếu không muốn nói là nghịch nhĩ như thế. Việc rõ như ban ngày, vẫn còn đó trên mạng những hình ảnh và clip sống động, thật 100% về cú ra tay giữa mặt, cú đá nhằm thẳng PV, cú ra tay tung máy quay rơi xuống đất. Liền theo đó là những bước chạy rượt đuổi, lời lẽ nặng nề của anh công an với PV. 

Vấn đề ở đây là làm sai thì phải dám chịu trách nhiệm chứ không nên uốn éo ngôn từ cho nó nhẹ đi khi hành vi đã xảy ra trên thực tế và đã được bao nhiêu cặp mắt chứng kiến. Nhà báo hay bất cứ người dân nào bị hành hung như trong vụ này thì cũng giống nhau, không có sự phân biệt và cơ chế đặc thù, song cần phải gọi cho rõ bản chất sự việc, đó mới thể hiện sự sòng phẳng.

Được biết ngay sau khi sự việc xảy ra, Hội Nhà báo Việt Nam và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Công an TP Hà Nội làm rõ. Thậm chí chiều 23-9, đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng đã đến văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội làm việc và thừa nhận sai. Ông này cũng đã xin lỗi báo Tuổi Trẻ và xin lỗi cá nhân PV Quang Thế. Vậy việc nói giảm, nói tránh nhằm mục đích gì và có che mắt được dư luận trong thời đại của công nghệ thông tin hiện nay? Câu hỏi này tôi xin nhường lại cho lãnh đạo Công an TP Hà Nội trả lời.

Luật sư  PHẠM CÔNG HÙNG (nguyên Thẩm phán TAND Tối  cao)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm