Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền biển

Ngày 26-7, tại TP Đà Nẵng, Hội nghị về công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo và chủ trương phát triển kinh tế biển đảo đã được Sở Ngoại vụ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cùng Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao tổ chức.

130 lượt tàu cá Trung Quốc gây hấn

Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, cho hay trước tình trạng ngư dân Việt Nam liên tục bị Trung Quốc xua đuổi, bắt giữ, bắn phá… Thời gian qua Bộ Ngoại giao đã 12 lần trao công hàm cho đại sứ Trung Quốc và 18 lần lên tiếng phản đối những hành động phi pháp này.

Theo ông Hải, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã triển khai một cách sâu rộng để tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia. Trong đó đã tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với các vấn đề liên quan tới biển Đông cũng như phản đối những hành động phi pháp của Trung Quốc. Đặc biệt năm 2010, lần đầu tiên chúng ta đã đưa vấn đề tranh chấp trên biển Đông vào chương trình nghị sự của ASEAN. Trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc, chúng ta đã nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Mục tiêu xuyên suốt của chúng ta là kiên quyết bảo vệ chủ quyền ở biển Đông.

Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền biển ảnh 1

Ngư dân Đà Nẵng trở về sau một lần đánh bắt và gặp nạn ở vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: LÊ PHI

Trong khi đó, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng Trần Công Thành thông tin từ đầu năm đến nay lực lượng bộ đội biên phòng đã phát hiện và xua đuổi được 481 lượt tàu cá Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển Đà Nẵng. Các tàu cá này xâm phạm một cách trắng trợn khi vào sâu trong vùng biển Đà Nẵng chỉ cách bán đảo Sơn Trà 25-40 hải lý. Việc xâm phạm chủ quyền của tàu cá Trung Quốc diễn ra cả ban ngày lẫn ban đêm nên rất phức tạp. Đặc biệt, có 130 tàu cá của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền vùng biển với các hành động gây hấn với tàu cá Việt Nam.

Bắt giữ tàu, xua đuổi ngư dân

Ngày 23-3-2013, tàu cá ĐNa-90.115 của ngư dân Đặng Minh Dần (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đang đánh bắt cá giữa khu vực đảo Tri Tôn và Bạch Quy đã bị tàu của Trung Quốc mang số hiệu 949 có vũ trang đến chụp ảnh, quay phim sau đó bắn pháo sáng vào tàu và xua đuổi tàu của ông Dần.

Chưa hết, 4 giờ sáng ngày 16-4-2013, tàu ĐNa-90.442 của ngư dân Nguyễn Cu (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đang đánh bắt trên khu vực vùng biển Hoàng Sa cũng bị ba tàu của Trung Quốc có vũ khí xua đuổi. Khoảng 2 giờ sau tàu của ngư dân Nguyễn Cu tiếp tục bị tàu của Trung Quốc mang số hiệu 949 truy đuổi tiếp.

Ngoài ra, vào lúc 14 giờ 10 phút ngày 28-5-2013, tàu ĐNa-90.357 do thuyền trưởng Trương Văn Chính điều khiển đang đánh bắt cá trên biển thì bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 189 uy hiếp, dùng loa và truy đuổi.

Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng Trần Công Thành cho hay : “Trung Quốc bây giờ hạn chế bắt giữ mà chuyển sang ép và xua đuổi buộc ngư dân ta phải quay về. Đây cũng là một âm mưu thâm sâu. Dùng cả loa phát bằng tiếng Việt để xua đuổi. Từ năm 2003 đến 2013 đã có 227 tàu cá của ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ. Riêng năm 2012 có 34 tàu cá của ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ, 20 tàu trong số bị bắt giữ này là của ngư dân Quảng Ngãi.

Trọng tâm phát triển kinh tế biển

Tại hội nghị, ông Mai Mộng Tưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, cho biết trung ương đã có nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển, động lực phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên hướng ra biển Đông và các nước tiểu vùng Mê Kông. Với chiến lược này, TP sẽ khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế vùng biển, ven biển, đảo kết hợp với quốc phòng - an ninh, tập trung các khâu đột phá phát triển kinh tế vùng biển, ven biển, đảo Đà Nẵng với các ngành chủ yếu là kinh tế hàng hải; dịch vụ vận tải biển; du lịch biển và dịch vụ biển; khai thác hải sản xa bờ; xây dựng các khu công nghiệp ven biển để chế biến hải sản. “Cụ thể doanh thu dịch vụ du lịch biển đến năm 2020 phải đạt 2.200 tỉ đồng, sản lượng đánh bắt xa bờ 30.000-35.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu kinh tế biển đạt trên 1 tỉ USD” - ông Mai Mộng Tưởng cho hay.

Để thực hiện các mục tiêu trên, TP sẽ tập trung phát triển kinh tế hàng hải, xây dựng Đà Nẵng trở thành một đầu mối giao thông quan trọng của khu vực và trung chuyển quốc tế. Xây dựng cụm cảng Đà Nẵng đáp ứng vận tải trên 12 triệu tấn vào năm 2020. Ngoài ra, TP sẽ chủ động tăng cường hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế biển. Thu hút đầu tư để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên biển. Bên cạnh đó TP sẽ tăng cường công tác đào tạo 3.000-5.000 lao động/năm trên lĩnh vực kinh tế biển.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm