Trụ sở to có làm dân giàu lên?

Năm 2008, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) là một trong trong 62 huyện nghèo nhất và đến năm 2018 Thủ tướng điều chỉnh danh sách các huyện nghèo thì Quan Hóa vẫn nằm trong nhóm 1, nhóm các huyện vẫn… nghèo. Mới đây, Quan Hóa xin tỉnh đầu tư trụ sở trị giá hơn 30 tỉ đồng sau khi đã thực hiện một loạt sửa chữa, nâng cấp trụ sở cũ.

Lý do mà chủ đầu tư đưa ra là để “nâng cao hình ảnh của huyện ủy và huyện Quan Hóa… tạo tiền đề nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo đối với người dân trong huyện…, giảm sự chênh lệch giàu nghèo giữa miền xuôi và miền ngược”.

Lý do này na ná lý do mà năm 2015 có người lấy ra để biện minh cho việc bắn pháo hoa là “Người nghèo khao khát xem bắn pháo hoa. Những lúc thưởng thức bắn pháo hoa giúp họ quên đi cái nghèo, cái khó”.

Thực tế thì nếu có xây trụ sở thì chỉ có trụ sở huyện là đẹp, chứ đời sống nhân dân huyện chắc không ngày một ngày hai mà đẹp được. Xây trụ sở mới, dân vẫn không vì thế mà được xóa đói giảm nghèo. Xây trụ sở mới chắc chỉ giảm chênh lệch về quy mô trụ sở huyện này với huyện khác, chứ kinh tế của dân thì chưa chắc khá hơn các huyện khác.

Không tìm cách phát triển kinh tế - xã hội địa phương để tự mình vươn lên thì không chỉ Quan Hóa mà nhiều địa phương khác sẽ “ăn nói” thế nào với các địa phương đang đóng góp ngân sách cho trung ương để phân bổ cho các tỉnh, huyện nghèo? Đáng nói, những địa phương như TP.HCM chẳng hạn, trong khi vẫn phải “gồng mình” điều tiết ngân sách về trung ương thì trụ sở các cơ quan nhà nước ở đây vẫn rất cũ, thậm chí có khi phòng của phó giám đốc sở còn dưới tiêu chuẩn cho phép.

Trung ương thật ra cũng “khó xử” khi yêu cầu nhiều địa phương điều tiết ngân sách về trung ương trong khi nhiều địa phương được trung ương hỗ trợ, rót ngân sách chỉ chăm chăm để ý xây trụ sở, tượng đài? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây ở Hội nghị tổng kết năm năm hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng còn nêu tình trạng một số địa phương báo cáo giảm nghèo tốt nhưng vẫn… xin tiền cao.

Có lẽ với những địa phương còn nghèo thì việc tiết kiệm phải được đặt lên hàng đầu cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế, tự lực, tự cường. Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính những năm trước đây khi phát biểu ở Quốc hội đã thống kê: “Chỉ cần tiết kiệm chi thường xuyên 1%/năm thì cả nước tiết kiệm được 10.000 tỉ”.

Tương tự, nếu tiết kiệm được những việc không hẳn là cấp thiết nhất như xây trụ sở ở Quan Hóa thì cả nước còn tiết kiệm được biết bao nhiêu. Nguồn lực tiết kiệm ấy để dành cho đầu tư phát triển thì chắc rồi những huyện như Quan Hóa sẽ từ từ tự xây được trụ sở.

Đáng mừng là trên tinh thần thực hiện chủ trương tiết kiệm, khi nghe về việc xin xây trụ sở mới (chứ chưa nhận văn bản đề xuất chính thức của huyện), Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn gạt ngay: “Ở thời điểm hiện tại, tỉnh đang ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội cho vùng sâu, vùng xa, nâng cao đời sống của người dân ở các huyện. Quan điểm tỉnh không thống nhất về đề xuất này”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm