Thu không nhiều nhưng dân thiệt thì nên bỏ

một số phí không phù hợp có thể gây bức xúc cho người dân trong đó có phí xe máy… Điều này đã được nhiều đại biểu (ĐB) QH và dư luận đồng tình ủng hộ.

Phí sử dụng đường bộ (thu cả với xe máy) được đặt ra nhằm tạo thêm nguồn để chi trả cho việc duy tu, bảo trì và sửa chữa cầu, đường. Mức phí mỗi chiếc xe máy đóng không cao (50.000-100.000 đồng/xe/năm, tùy dung tích xi lanh) nhưng để phục vụ cho mục đích tốt đẹp: “Đường sá tốt hơn” sao lại vấp nhiều phản ứng từ người dân và các ĐBQH?

Hiện nay, tất cả tỉnh, thành trên cả nước đã thu phí. Duy chỉ TP.HCM vẫn “đang triển khai” thì rõ ràng TP.HCM đã rất chậm trễ. Nhưng sự chậm trễ này lại được sự… đồng tình.

Thống kê cho thấy ở các tỉnh, thành đã thu phí (cách nay hơn hai năm) thì tỉ lệ thu được rất thấp, nơi nhiều nhất cũng chưa đến 50%.

Hàng loạt bất cập của việc thu phí (dễ sót lọt, thất thu…) đã được nhìn thấy nhưng không có cách “bịt” lại làm nhiều ĐB lo lắng việc đảm bảo công bằng, không gây bức xúc cho người dân khó đạt được. Trong khi muốn thu phí thì phải huy động một bộ máy cồng kềnh, làm tốn kém do việc hành thu song phần “lõi” còn lại (để chia cho các quận, huyện sửa chữa cầu, đường) lại không bao nhiêu cũng làm nhiều nơi không “mặn” thu.

Về phía người dân, mức phí đóng hằng năm chỉ 50.000-100.000 đồng/xe có thể là không nhiều. Nhưng theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, ở “trung tâm kinh tế” này của cả nước thì vẫn có sự chênh lệch lớn về điều kiện kinh tế giữa các chủ xe máy có dung tích đến 100 cm3 và trên 100 cm3. Trong đó, phần lớn chủ xe máy dung tích đến 100 cm3 có thu nhập thấp nên cơ quan này kiến nghị cần xem xét kỹ việc thu phí, tránh tạo thêm gánh nặng cho người dân. Ngoài ra, điều làm người dân không ủng hộ, thậm chí không đồng tình là loại phí này lẽ ra phải được tính và thu theo nguyên tắc chạy xe trên đường nhiều phải đóng nhiều, chạy ít đóng ít thì ở đây lại buộc chủ xe đóng phí “thuê bao”. Như vậy, bất kể xe đấy (cùng trong nhóm dung tích xi lanh) “sử dụng đường bộ” ít hay nhiều cũng phải đều đặn đóng một mức như nhau theo từng chu kỳ.

Gọi là nhỏ nhưng thực tế các bất cập trên đã không thuyết phục được người dân, trong khi các cơ quan chức năng lại không mặn mà với các gánh nặng “được trao”. Hiệu quả thực tế của việc thu phí sử dụng đường bộ với xe máy ra sao đã thể hiện rõ ở 62 tỉnh, thành đã thu. Vậy thì còn gì nữa mà chưa dứt khoát?

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm