Thế thời đã khác, sao ta còn đủng đỉnh?

DN này chia sẻ bên lề rằng đây là mô hình mới. Nhà sản xuất đưa hàng cho công ty logistics mà chưa biết hàng này sẽ bán cho ai, bán vào ngày nào. Vì vậy cũng chưa thể xuất hóa đơn.

Vì không có hóa đơn nên đơn vị logistics có thể gặp khó khăn khi vận chuyển hàng trên đường đi, vốn đòi hỏi phải mang theo hóa đơn, chứng từ, xuất trình khi quản lý thị trường kiểm tra.

DN này đưa các bản mô tả cách thức hoạt động của hệ thống, gồm rất nhiều khâu kết nối qua trung tâm thông tin, với giải trình về các thời điểm hàng đến, hàng đi, các lệnh giao nhận và các báo cáo. Một hệ thống phân phối mới lẽ ra chạy tốt nhưng có thể phải dừng lại chỉ vì thiếu vài tờ hóa đơn. Những tờ hóa đơn đó lại không thể xuất hiện nếu chưa có hướng dẫn của cơ quan thuế.

Cho nên DN ôm một đống hồ sơ, bản vẽ, bản mô tả, hợp đồng... đến buổi đối thoại để xin hướng dẫn.

Thế nhưng Cục Thuế TP.HCM không thể hướng dẫn được mà hứa là “sẽ trả lời” và đăng website công khai.

Đáng nói, cơ quan thuế cho biết có nhận một số phản ánh của các DN khác về vướng mắc tương tự. Điều này cho thấy đây không phải là lần đầu có DN vướng mắc, mà trước đó cũng đã có nhưng cho đến nay vẫn chưa hướng dẫn được.

Nhiều vướng mắc cũng đã phải chờ như thế. Vướng mắc phát sinh mà nguyên nhân chính là do văn bản pháp luật không rõ ràng, chưa lường trước thực tế phát sinh, do cơ quan thuế địa phương không biết cách giải quyết hoặc vận dụng sai quy định...

Ông Chung Thành Tiến, Trưởng đại diện phía Nam của Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam (VICA), cho biết việc hỏi-đáp vướng mắc của DN thường bị kéo dài là do quy trình. Theo quy trình, khi DN vướng mắc phải gửi văn bản hỏi theo từng cấp. Nếu DN vượt cấp, hỏi trực tiếp Bộ Tài chính thì Bộ sẽ chuyển cho Tổng cục Thuế. Tổng cục chuyển câu hỏi về Cục Thuế cấp tỉnh, thành. Sau đó Cục chuyển về cho Chi cục Thuế địa phương quản lý DN để trả lời.

DN thì nôn nóng mong xử lý sớm vướng mắc. Nhưng cơ quan thuế thì cứ công văn đến, công văn đi, xin ý kiến... đúng quy trình! Có những vướng mắc mất vài ba tháng mới có công văn đủng đỉnh trả lời là chuyện hết sức bình thường trong ngành thuế.

Nhưng thái độ đủng đỉnh đó thật hết sức không bình thường trong nền kinh tế thị trường, khi mà mọi cỗ máy chỉ có thể vận hành trơn tru sau khi có công văn trả lời của ngành này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm