Tàu Mỹ áp sát đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc và ba vấn đề pháp lý

 Với hành động này, Mỹ đã chặn đứng việc TQ viết lại luật quốc tế, mà cụ thể là viết lại các nguyên tắc xác lập chủ quyền của quốc gia đối với lãnh thổ, viết lại quy chế pháp lý của đảo nhân tạo, viết lại quy chế pháp lý của biển quốc tế đã được quy định tại Điều 60 và Điều 87 và nhiều điều khoản khác của Công ước về Luật biển1982 của Liên Hiệp Quốc (gọi là Công ước 1982).

Trong sự kiện này có ba vấn đề pháp lý cần làm sáng tỏ:

Một là, TQ có chủ quyền đối với các đá và quyền yêu sách vùng biển 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà họ đã và đang xây dựng trên quần đảo Trường Sa hay không? Câu trả lời là không. Bởi vì luật pháp quốc tế chỉ thừa nhận một quốc gia xác lập chủ quyền lãnh thổ với điều kiện lãnh thổ đó chưa có quốc gia nào xác lập chủ quyền, hoặc đã được quốc gia nào đó xác lập chủ quyền nhưng đã từ bỏ; hành vi xác lập chủ quyền đối với lãnh thổ phải liên tục, hòa bình, không có tranh chấp, được dư luận quốc tế chấp nhận. Luật quốc tế không thừa nhận việc xác lập chủ quyền lãnh thổ bằng hành động sử dụng vũ lực xâm lược lãnh thổ của quốc gia khác. Mặt khác, Công ước 1982 không công nhận hành vi sử dụng bê tông, đất cát, sắt thép để bồi đắp, tôn tạo để xác lập chủ quyền đối với các đảo nhân tạo được xây dựng bất hợp pháp. Do vậy, việc TQ tuyên bố chủ quyền trên các đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, xây dựng và yêu sách vùng biển 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo này là vô giá trị và hoàn toàn trái luật pháp quốc tế. Cần lưu ý rằng theo khoản 5 Điều 60 của Công ước 1982, một đảo nhân tạo (được xây dựng hợp pháp) cũng chỉ có một “vùng an toàn” không quá 500 m tính từ mép ngoài của chúng.

Hai là, các quốc gia có quyền gì trên biển quốc tế? Theo Điều 87 của Công ước 1982, các quốc gia dù có biển hay không có biển đều có các quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do đặt dây cáp hoặc ống dẫn ngầm, tự do xây dựng các đảo nhân tạo hoặc các thiết bị khác được pháp luật quốc tế cho phép, tự do đánh bắt hải sản, tự do nghiên cứu khoa học. Tiếp đó, Điều 88 và 89 của Công ước 1982 quy định biển quốc tế được sử dụng vào các mục đích hòa bình. Không một quốc gia nào có thể yêu sách một bộ phận nào đó của biển quốc tế thuộc chủ quyền của mình. Do vậy, việc hải quân Mỹ tuần tra trên các vùng biển quốc tế, xung quanh các đảo nhân tạo TQ xây dựng bất hợp pháp là phù hợp với Công ước 1982.

Ba là, việc tuần tra là hành động mạnh mẽ nhất của Mỹ bác bỏ yêu sách vô lý và phi pháp về chủ quyền của TQ trên các đảo nhân tạo và các vùng biển 12 hải lý xung quanh do TQ lập ra; phản đối TQ xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở quân đảo Trường Sa; khẳng định địa chính trị đặc biệt quan trọng của biển Đông đối với Mỹ và thế giới cũng như quyết tâm “hướng Đông”, “tái cân bằng” của Mỹ tại châu Á. Hành động này của Mỹ góp phần kiềm chế sự hung hăng của TQ; bảo vệ luật pháp quốc tế nói chung, bảo vệ quyền tự do hàng hải và tự do hàng không trên biển quốc tế nói riêng theo quy định của Công ước 1982.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm