Tăng thuế hay khoan sức dân làm kế bền gốc?

Qua nội dung của việc thay đổi chính sách thuế đưa ra làm cho mọi người cảm thấy mục tiêu là hướng tới huy động nguồn thu ngân sách nhà nước mà chưa tính đến chính sách thuế phải tạo động lực cho phát triển kinh tế; tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp, đóng góp nhiều hơn nữa nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Bởi nếu tăng thuế, đặc biệt tăng thuế suất thuế VAT theo phương án từ 10% lên 12% sẽ tác động nhiều tới người nghèo. Điều này không phù hợp với tinh thần của Chính phủ là kích thích tiêu dùng, đảm bảo tăng trưởng. Mức thuế, phí hiện nay của chúng ta so với thu nhập đã quá cao rồi.

Nếu thu nữa bằng biện pháp tăng thuế thì sẽ gây khó khăn rất lớn cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, khi doanh nghiệp gặp khó khăn do thuế tăng lên thì dẫn đến nhiều hệ quả như không thể cạnh tranh, thua trên sân nhà…

Ý kiến giải trình của Bộ Tài chính cho rằng thuế suất thuế VAT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo là còn phiến diện, chưa thuyết phục, bởi thuế này có tính “lũy thoái”. Người thu nhập thấp phải dành một tỉ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỉ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn so với người có thu nhập cao. Do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng.

Nhà nước kiến tạo là một nhà nước phải hiệu quả, giúp cho đời sống của người dân dễ chịu hơn, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dễ dàng hơn.

Tất nhiên, mong muốn của Đảng ta, Nhà nước và nhân dân ta đều có điểm chung là nâng cao mọi mặt của đời sống nhân dân.

Để làm được điều này thì có nhiều việc, trong đó có giảm nghĩa vụ thuế. Trong một nền kinh tế khó khăn, chúng ta cần khoan sức dân để làm kế bền gốc, đó là thượng sách tạo động lực cho sự phát triển bền vững, chúng ta không nên chọn phương án khiến người dân phải thêm căng mình đóng thuế.

Nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách triền miên ở Việt Nam không phải do việc huy động nguồn thu thuế thấp trong ngân sách mà chính là do tham nhũng, thất thoát, lãng phí, kỷ luật tài chính không nghiêm, đầu tư sai; hoặc đầu tư vì lợi ích nhóm chứ không phải vì cộng đồng hay sự phát triển đất nước.

Có thể hiểu, Bộ Tài chính đứng trước sức ép phải có đủ nguồn thu để đảm bảo chi và đề xuất tăng thuế trở thành một giải pháp khả dĩ. Có điều là nếu không giải quyết cái gốc của vấn đề nằm ở chi tiêu không hiệu quả, tham nhũng, lãng phí, đầu tư sai… thì dù có tăng lên 12% hay gấp đôi đi nữa, thu ngân sách dù có phình to ra cũng khó mà đảm bảo được cân đối ngân sách nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm