‘Tài liệu Panama’ và sức công phá của minh bạch

Câu hỏi đặt ra: Vì sao “Tài liệu Panama” lại được giới truyền thông quan tâm nhiều đến như vậy? Câu trả lời chỉ có một: Nhu cầu thông tin và yêu cầu minh bạch, vốn là nền tảng của một thể chế dân chủ, luôn thường trực đối với người dân trong bất cứ quốc gia nào.

Minh bạch, dường như vẫn là một cuộc chiến dai dẳng, cho dù cơ chế công khai-minh bạch vẫn luôn được thừa nhận là một trong những động lực của phát triển, của văn minh và cốt lõi của trách nhiệm giải trình, đặc tính quan trọng của một thể chế dân chủ. Bởi lẽ bản thân bộ máy hành chính và lãnh đạo của nó thường có xu hướng bí mật thông tin, còn người dân -  những người đóng thuế để nuôi bộ máy lại muốn thông tin phải được công khai rõ ràng. Đòi hỏi đó là rất chính đáng!

Trong các cuộc thảo luận, góp ý cho Luật Tiếp cận thông tin mà Quốc hội sắp thông qua, các chuyên gia đã kể một câu chuyện ở Ấn Độ. Năm 2008, nhà báo Shyamlal Yadav của báo India Express nộp đến 60 lá đơn đòi cung cấp thông tin lên hơn 30 bộ của Ấn Độ để yêu cầu trả lời trong ba năm qua, các bộ trưởng đã đi công tác ở đâu. Sau khi có tư liệu, Yadav tính toán quãng đường các bộ trưởng di chuyển. Và kết quả cho thấy: Trong ba năm rưỡi, các bộ trưởng của Ấn Độ đã đi công du với một khoảng cách bằng 256 vòng Trái đất.

Nhà báo Yadav tiếp tục viết đơn yêu cầu cung cấp thông tin về tất cả chuyến công tác của viên chức tại các bộ. Một kết quả kinh hoàng: Khoảng cách mà 1.200 công chức Ấn Độ di chuyển trong ba năm rưỡi bằng 74 lần khoảng cách Trái đất - mặt trăng. Những bài báo của Yadav đã khiến Thủ tướng Manmohan Singh phải ban hành những chỉ đạo nhằm hạn chế việc lạm quyền của công chức khi đi công tác.

Minh bạch thông tin luôn là nhu cầu bức thiết của người dân mọi quốc gia. Nhân dân - những chủ thể đóng thuế nuôi chính quyền không thể chấp nhận một sự tù mù. Họ luôn mong muốn cánh cửa thông tin mở toang trong những trường hợp có thể. Nó không đơn thuần là sự đòi hỏi mà nó là nhu cầu bình đẳng giữa chính quyền và nhân dân - người nuôi sống chính quyền ấy.

Xét cho cùng, việc công khai, minh bạch thông tin chẳng những là nhu cầu và nền tảng của một xã hội văn minh, dân chủ mà nó còn là một phương cách hạn chế tốt nhất những quả bom như “Tài liệu Panama”.  Quả bom ấy khi nổ sẽ gây ra những hệ lụy mà một thể chế bưng bít thông tin sẽ không thể lường trước được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm