Rõ ràng hơn đi, thưa Bộ Tài nguyên và Môi trường!

Hậu quả là nhiều người dân đang khổ sở với những xác nhận có liên quan như phản ảnh của loạt bài “Trần ai mua đất trồng lúa” (Pháp Luật TP.HCM ngày 28 và 29-8-2019).

Khoản 30 Điều 3 Luật Đất đai 2013 cho ra công thức: Trực tiếp sản xuất nông nghiệp = có đất nông nghiệp (do được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận, nhận chuyển quyền sử dụng đất) + có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó.

Có đất nông nghiệp thì có thể hiểu là người mua phải có các quyết định, giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất. Còn có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó là như thế nào?

Đáng tiếc là khi hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thì Nghị định 01/2017 đã không đề cập đến nội dung này. Nghị định chỉ giao cho UBND cấp xã nơi người mua thường trú xác nhận việc “trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp”. Trường hợp đất nông nghiệp đó ở nơi khác với nơi thường trú thì có đến hai nơi xác nhận: UBND cấp xã nơi có đất xác nhận việc sử dụng đất, UBND cấp xã nơi thường trú xác nhận về thu nhập.

Vậy, xác nhận việc sử dụng đất là xác nhận nội dung gì? Xác nhận có nguồn thu nhập ổn định… dựa theo cơ sở nào? Không ai biết chắc để cùng làm cho đúng vì sự bỏ lửng đã nêu của nghị định.

Đáng tiếc tiếp nữa, Thông tư 33/2017 của Bộ TN&MT vẫn không làm rõ ràng hơn. Thông tư này nêu các căn cứ để xác nhận “trực tiếp sản xuất nông nghiệp” để áp dụng cho nhiều trường hợp (giao đất, cấp giấy chứng nhận, thu hồi đất mà cần xác định đối tượng được bồi thường, hỗ trợ). Với thủ tục mua đất trồng lúa, thông tư yêu cầu không thuộc các đối tượng (được hưởng lương thường xuyên; đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội) là được.

Ngặt nỗi quy định đó của thông tư rất ít được áp dụng. Có lẽ vì nhiều nơi không thấy sự “trực tiếp sản xuất nông nghiệp” ở bốn đối tượng được liệt kê… Để rồi nhiều chỗ cứ bắt buộc mọi trường hợp đều phải có một hoặc hai xác nhận “đất”, “thu nhập ổn định từ đất” gây vướng mắc cho người dân lẫn chính quyền sở tại.

Vì sao làm theo Nghị định 01/2017 cũng không dễ dàng, suôn sẻ; làm theo Thông tư 33/2017 cũng không xong? Bộ TN&MT đã thiết kế hai văn bản này như thế nào mà mạnh ai nấy hiểu, nấy làm? Người đang có đất nông nghiệp cũng không mua được. Người không có đất nông nghiệp mà thuộc các đối tượng quy định cũng không mua được. Dân tình khổ sở đã đành mà các UBND phường, công chứng viên, văn phòng đăng ký đất đai… hẳn chẳng sướng ích gì với các gật, lắc khi tiếp nhận hồ sơ.

Suy cho cùng, ràng buộc đã nêu của Luật Đất đai 2013 đang là lý do làm phát sinh nhiều rào cản đối với chủ đất và những người mua đất trồng lúa.

Cách khắc phục không chỉ là Bộ TN&MT (Tổng cục Quản lý đất đai) sớm ra văn bản thống nhất điều kiện nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa. Căn cơ thì nên bãi bỏ hạn chế đã nêu của Luật Đất đai vì mấu chốt không nằm ở người nắm giữ đất mà phải là hiệu quả sử dụng đất và những công cụ khác để điều phối, quản lý chặt chẽ đất trồng lúa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm