Phải chặn đứng ‘thế giới ngầm dưới lòng sông’

Clip này do Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn vừa báo cáo ông Chung tại giờ giải lao phiên khai mạc kỳ họp HĐND TP Hà Nội. Bức xúc trước nạn “sa tặc”  lộng hành, ông Chung chia sẻ với nhiều PV và đề nghị báo chí vào cuộc về vụ việc.

Rõ ràng việc tàu cảnh sát đường thủy đậu bên cạnh những tàu hút cát thì cũng phải đặt câu hỏi vì sao tàu cảnh sát đó lại đậu ở đó? Liệu có “bảo kê” hay đối tượng “sa tặc”  dương oai lực lượng với người dân sở tại hoặc chí ít là cơ quan chức năng như CSGT đường thủy, cơ quan quản lý những tuyến sông này buông lỏng quản lý?

Động thái của ông Chung sau khi xem được clip đã chỉ đạo ngay cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, thậm chí chỉ đạo bắt giữ tàu được cho là “sa tặc” .

Đến bây giờ, một lãnh đạo cao nhất của UBND TP Hà Nội mới thấy bức xúc về nạn “sa tặc”  lộng hành thì có lẽ hơi muộn. Còn nhớ đầu năm nay, TAND tỉnh Bắc Ninh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trọng Phương ba năm tù về tội đe dọa giết người. Bị cáo Phương trước đó chỉ vì xin được nạo vét tận thu khoảng 10 km trên sông Đuống nhưng chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh không đồng ý đã nhắn tin đe dọa giết chủ tịch tỉnh.

Trước đó, sau một loạt phản ánh của báo chí, Cục Đường thủy nội địa đã phải kỷ luật một cục phó bởi ký cấp phép ồ ạt cho những công ty được nạo vét tận thu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, lợi dụng giấy phép công ty khai thác cát ồ ạt, khai thác ngoài phạm vi cho phép, dẫn đến lún nứt nhà dân nằm ven sông Cầu. Hay như năm 2014, TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên nguyên bí thư một huyện nọ một năm tù vì bảo kê “sa tặc” . Cũng năm 2014, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội khởi tố tám đối tượng “sa tặc”  trên sông Hồng…

Những bài học ấy tưởng rằng sẽ ngăn ngừa nạn “sa tặc”  lộng hành, cũng như là bài học cho cơ quan quản lý nhưng không, “sa tặc”  ngày càng lộng hành và manh động.

Vì sao “sa tặc”  lộng hành và có dẹp được nạn “sa tặc”  không? Để trả lời câu hỏi này, trước tiên các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương phải tính toán lại việc cấp giấy phép nạo vét tận thu sản phẩm cho các công ty nạo vét. Bởi chính cái giấy phép này là lá bùa hộ mệnh để đơn vị thi công khai thác cát ồ ạt, bất chấp người dân địa phương phản đối. Còn nếu dừng cấp phép nạo vét tận thu sản phẩm thì việc quản lý và xử lý “sa tặc” sẽ dễ dàng hơn. Cảnh sát đường thủy hay chính quyền địa phương hoặc các cơ quan quản lý tuyến sông đó không thể bao biện “công ty nạo vét có giấy phép” được.

Như đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) từng phát biểu “dưới lòng sông là cả thế giới ngầm” quả là không sai. Lòng sông là một mỏ vàng khủng để các công ty nạo vét tìm mọi mối quan hệ xin bằng được giấy phép nạo vét tận thu sản phẩm, sau đó lợi dụng giấy phép, bất chấp pháp luật nhằm khai thác cát. Còn cơ quan chức năng thì buông lỏng quản lý, làm ngơ để “sa tặc” lộng hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm