Nếu chính quyền sát hơn với dân tái định cư...

Theo Sở Xây dựng, đã có khoảng 36.000 căn nhà lụp xụp ven và trên kênh, rạch được di dời, giải tỏa. Cũng có nghĩa là hàng chục ngàn hộ gia đình được thoát khỏi kiếp sống lam lũ trong những “xóm nước đen” để chuyển sang một môi trường mới sạch sẽ, sáng sủa hơn. Rõ ràng là người dân tái định cư đã rất vui mừng vì họ được tạo điều kiện để có một chỗ ở tốt, điều mà có nằm mơ những người suốt đời làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày cũng không thể tưởng tượng được.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là niềm hoan hỉ của các hộ dân tái định cư không duy trì được bao lâu khi hằng ngày phải đối diện với hàng loạt khoản phí: tiền vệ sinh, thang máy, giữ xe, phí bảo trì chung cư… trong khi không có chỗ cho họ mưu sinh ở môi trường sinh sống mới. Tiền kiếm không ra, trong khi nhu cầu cuộc sống luôn phát sinh hằng ngày đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh túng bấn, nợ nần bủa vây. Đa phần người dân sau khi được di dời lên chung cư phải tự xoay xở đủ cách để duy trì cuộc sống. Không ít người trụ không nổi đã phải bán nhà ra đi tứ tán khắp nơi.

Luật cũng đã quy định rõ trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án bao giờ cũng đi kèm với việc giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho dân. Tuy nhiên, việc này bấy lâu ít được làm tới nơi tới chốn.

Thực tế nêu trên có thể thấy rõ ở hai chung cư tái định cư Tân Mỹ, quận 7 và An Sương, quận 12. Sáu năm kể từ khi người dân được bố trí về đây, rất ít khi chính quyền địa phương đến xem xét cuộc sống của dân như thế nào khi về nơi ở mới. Cho đến bây giờ, hơn phân nửa số dân tái định cư tại hai chung cư này đã bán nhà, bán suất thuê tái định cư vì cuộc sống quá khó khăn. Những người ra đi đã đành, những người ở lại cũng sống trong nơm nớp lo sợ vì không trả được tiền nợ trả góp hoặc tiền thuê nhà thì sẽ bị lấy lại nhà! Tuy nhiên, đến nay vẫn không có bất kỳ kiến nghị nào để hỗ trợ hoặc tháo gỡ khó khăn cho dân.

Nhà nước đương nhiên không thể lo lắng hết tất cả từ chỗ ăn ở đến miếng ăn hằng ngày cho người dân tái định cư. Bản thân người dân cũng phải tự nỗ lực để thích nghi với cuộc sống mới, môi trường mới. Tuy nhiên, nếu nắm bắt kịp thời những khó khăn của người dân để tìm ra giải pháp phù hợp thì có lẽ đã không xảy ra câu chuyện buồn như ở các chung cư tái định cư hiện nay.

Hàng ngàn người dân sống ven và trên kênh, rạch hiện nay hay tin chuẩn bị di dời, giải tỏa vẫn đang lo lắng về số phận của họ khi Nhà nước giải tỏa. Nếu TP không đột phá trong khâu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đặc biệt là giải quyết công ăn việc làm cho dân thì chắc chắn sẽ lại tiếp tục đi lên vết xe đổ đã và đang tồn tại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm