Góc nhìn

Năng lực và chứng chỉ

“Dành cả thanh xuân để đi học… chứng chỉ”, có người đã tổng kết vui như vậy về tình hình chứng chỉ mà một công chức, viên chức… phải có trong nhiều năm qua. Thật ra, điều đó cũng có lý do của nó khi mà công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước bắt buộc phải có những “hệ chuẩn” để vận hành theo các chuẩn mực chung của thế giới, nhất là khi Việt Nam hội nhập sâu rộng.

Chứng chỉ tiếng Anh, tin học chẳng hạn. Có thể do ngày xưa trình độ ngoại ngữ và tin học chưa cao thì việc buộc công chức, viên chức phải có trình độ tiếng Anh là một yêu cầu bức thiết. Những chứng chỉ A, B, C… tiếng Anh, tin học không chỉ là yêu cầu, mà còn là động lực để cả khu vực nhà nước và tư nhân tất yếu phải nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học trong hội nhập và giao thương quốc tế.

Đến nay, sau nhiều chục năm, có thể nói chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, cách mạng 4.0 như vũ bão mỗi ngày, kinh tế số trở thành một trong những động lực phát triển thì tất yếu ai không đủ phẩm chất sẽ bị loại ra khỏi dòng chảy phát triển.

Sáng tạo và đổi mới là yêu cầu cấp thiết đối với không chỉ mỗi người mà còn đối với cả cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy công quyền. Áp lực của đổi mới từ xã hội khiến cho chính sách phải thay đổi để thích ứng. Việc Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức là theo tinh thần ấy.

Những kiến nghị của Bộ Nội vụ về “chứng chỉ bồi dưỡng” đã đi vào thực chất. Nhiều kiến nghị của Bộ Nội vụ đã cho thấy tính quyết liệt. Chẳng hạn có những chức danh nghề nghiệp quy định phải có ba chứng chỉ thì Bộ Nội vụ kiến nghị bỏ hai chứng chỉ.

Điều này rất phù hợp với tinh thần xuyên suốt của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ khi nắm Chính phủ đến nay là: “Phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo”. Thực tiễn hiện nay là: Chứng chỉ không nói lên được năng lực của một người mà sản phẩm do người ấy làm ra mới là thước đo chính xác nhất. Bởi chính sản phẩm tạo ra mới là giá trị cuối cùng chứng minh một cách thực chất cho năng lực của công chức, viên chức. Điều này cũng tránh được tình trạng “chạy đua” để chứng chỉ gì cũng có nhưng “chứng chỉ năng lực thực thụ” thì không tương thích.

Làm được như vậy thì sẽ giải quyết được những vướng mắc lâu nay giữa “năng lực và chứng chỉ”. Nó cũng bảo toàn được các tiêu chí đánh giá mà một hệ thống công quyền phải có. Nó cũng cho thấy tinh thần “tôn trọng thực tiễn” mà Thủ tướng luôn khuyến khích.

Chứng chỉ khi đó sẽ không còn là nỗi ám ảnh!


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm