Luật làm mấy ông chủ tịch chịu tiếng oan khi không ra tòa

Nếu nhìn từ góc độ chấp hành pháp luật TTHC thì có thể nhận xét là nền hành chính yếu kém

Nó thể hiện ở việc: Sau khi ban hành các quyết định bị khiếu nại thì chủ tịch, UBND không đối thoại; dân kiện thì không tham gia phiên tòa; tòa phán quyết thì không thực hiện…

Ông Cương nêu bức tranh ảm đạm như thế vì theo quy định của Luật TTHC, nếu người bị kiện là UBND hoặc chủ tịch UBND thì trước khi xét xử, tòa tổ chức đối thoại giữa người bị kiện với người khởi kiện và chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND được ủy quyền phải đối thoại. Khi tòa xử, lãnh đạo UBND phải ra tòa. Thực tế, trong hàng trăm vụ án hành chính ở hai thành phố lớn, không có vị chủ tịch hay phó chủ tịch nào thực hiện việc này.

Có đại biểu gay gắt cho là các lãnh đạo UBND thiếu tôn trọng luật!

Nếu căn ke theo luật, các lãnh đạo ủy ban đành phải chịu tiếng xấu nhưng như phân trần của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, với lượng án hành chính nhiều như hiện tại, ở Hà Nội và TP.HCM mỗi ngày phải ba chủ tịch, phó chủ tịch UBND ra tòa. Đó là ông nói tắt chứ thực tế phải nhiều hơn nữa, vậy lấy người đâu ra mà đi hầu kiện?

Luật TTHC trước đây cho phép người bị kiện được ủy quyền cho người biết việc ra tòa thay mình và án hành chính vẫn xét xử thông suốt. Đành rằng có chuyện người được ủy quyền xin dừng phiên xử xin ý kiến lãnh đạo, gây ách tắc việc giải quyết án nhưng con số đó không nhiều. Đến khi chuẩn bị sửa đổi Luật TTHC, trong các hội thảo nhiều chuyên gia cảnh báo sẽ không đủ lãnh đạo các cơ quan nhà nước hầu tòa và đề xuất cho các cơ quan hành chính nhà nước lập một nhóm luật sư công để đảm trách phần tư vấn, hầu kiện thay cho lãnh đạo UBND nhưng đề xuất này không được chấp nhận…

Và ngay khi Luật TTHC 2015 có hiệu lực, nhiều địa phương đã kiến nghị cho phép lãnh đạo UBND được ủy quyền cho người biết việc thay mình hầu kiện nhưng đến nay chưa có ý kiến chính thức sửa luật.

Với các quy định, thiết chế dân chủ ngày càng đi vào thực chất, người dân ý thức rõ hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì việc khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính… sẽ không giảm mà sẽ tăng lên. Nếu cứ giữ nguyên quy định “người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện” thì không tỉnh, thành nào có đủ người ra tòa và lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục chịu tiếng oan.

Thay vào đó, các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nghiêm các quyết định, bản án hành chính; thực hiện nghiêm nguyên tắc độc lập xét xử nói chung, án hành chính nói riêng; thực hiện nghiêm nguyên tắc “mọi người bình đẳng trước pháp luật” thì vấn đề người bị kiện hay người được ủy quyền ra tòa không quan trọng. Bởi hơn ai hết, người bị kiện sẽ biết những hậu quả pháp lý nếu họ thua kiện ở tòa.

Cứ mãi ràng buộc “người đứng đầu hoặc cấp phó” phải ra tòa, lãnh đạo các UBND sẽ còn mang tiếng oan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm