Góc nhìn

Hết thời “vẽ” dự án đầu tư

“Phải dứt khoát khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt” - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như thế tại buổi làm việc với các bộ, cơ quan về việc cập nhật, bổ sung đánh giá báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vừa diễn ra đầu tuần này.

Đầu tư công luôn được xác định là “vốn mồi”. Thủ tướng và nhiều lãnh đạo bộ, ngành, địa phương cũng khẳng định điều này, quyết tâm thúc đẩy tính chất “vốn mồi” của đầu tư công. Tính chất quan trọng của đầu tư công trung hạn chắc hẳn là lý do để Thủ tướng Phạm Minh Chính đốc thúc Bộ KH&ĐT thường xuyên cập nhật số liệu vào báo cáo thường xuyên.

Sự quyết liệt của Thủ tướng có lẽ đã đưa đến những số liệu tích cực trong “Dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025” của Chính phủ. Từ 6.447 dự án dự kiến, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cắt giảm còn khoảng 5.397 dự án. Điển hình như Sơn La đã rà soát, tích hợp các dự án và giảm số dự án dự kiến từ 498 dự án xuống còn 31 dự án. Bộ KH&ĐT nói sẽ phối hợp rà soát và số dự án có thể giảm còn khoảng 5.000.

Tín hiệu này cho thấy Thủ tướng, Chính phủ và các bộ, ngành đã quyết tâm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt cũng như tâm lý trông chờ, ỷ lại ở trung ương. Bởi chính tình trạng này đã khiến tác động “vốn mồi” của những đồng vốn ngân sách không đạt hiệu quả như mong muốn. Tiêu chí “hiệu quả” mà Luật Đầu tư công đã đề ra đôi khi không được tuân thủ.

Có thể còn tồn tại điều mà Thủ tướng mới nghiêm cấm là “chạy” dự án. Mặt khác, có thể có cả tình trạng “vẽ” dự án để tạo dấu ấn hay làm những việc khác mà ít chú trọng vào tính chất đột phá. Hoặc là có cả tình trạng những dự án đôi khi chỉ nảy nở từ một ý tưởng hay sở thích của lãnh đạo vốn đã được phân cấp, phân quyền. Thế nên thay vì làm các dự án trọng tâm, trọng điểm, tạo đột phá chiến lược, phục vụ quốc kế, dân sinh thì có thể người ta chỉ chăm chăm vào các tượng đài hay cổng chào, quảng trường hoành tráng.

Đó cũng có thể chính là lý do khiến việc huy động thêm nguồn lực cho phát triển còn khó khăn, đến mức Thủ tướng hôm 24-5 phải nói rằng: “Thu hút được 1%, một đồng vốn ngoài ngân sách cũng quý”.

Chủ trương thu hút vốn ngoài ngân sách có thể được đẩy mạnh trong nhiệm kỳ này. Nhưng điều đó còn phụ thuộc vào việc các địa phương có thực sự đề ra được những kế hoạch đầu tư công trung hạn bằng những dự án thực sự cần thiết hay không. Đương nhiên, việc tháo gỡ khó khăn từ chính sách, thể chế là nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền khác.

Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư công là động lực quan trọng cho phục hồi kinh tế. Có cơ sở để tin tưởng rằng động lực “vốn mồi” trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2026 sẽ được cụ thể hóa hơn nữa. Bởi cho đến nay với những chỉ đạo sát sao của Thủ tướng và sự vào cuộc của các bộ, ngành, chất lượng công tác dự báo, lập kế hoạch đầu tư công đã thực tế hơn, hiệu quả hơn, gắn với trách nhiệm người đứng đầu hơn.

Có thể hy vọng rằng tình trạng “vẽ” dự toán, “vẽ” dự án rồi “xin” tiền về lại để đấy không tiêu hết sẽ được dẹp bỏ trong giai đoạn tới.        

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm