Dùng tiền bảo lãnh ‘xe cưng’ khi vi phạm: Giải pháp hay!

Thực ra vấn đề này đã nằm trong Nghị định 115/2013 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 18-11-2013.

Về phía Bộ Công an, sau hơn năm năm thi hành Nghị định 115/2013, Bộ Công an nhận thấy việc tạm giữ xe đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn như chưa quy định cụ thể việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ khi hết thời hạn tạm giữ; phạm vi áp dụng hình thức đặt tiền bảo lãnh cần được mở rộng để hạn chế việc cơ quan có thẩm quyền phải quản lý, bảo quản quá nhiều phương tiện vi phạm bị tạm giữ…

Về phía người vi phạm, việc tạm giữ xe vi phạm cũng nảy sinh nhiều hành vi, cách ứng xử khác nhau: Với người sở hữu các xe có giá trị lớn thì thực sự không an tâm khi đưa “xe cưng” của mình cho CSGT bỏ vào những bãi tang vật lồng lộng gió, dầm dề nắng mưa; với người vi phạm nhiều lỗi mà tổng mức phạt tiền lớn hơn chiếc “xe cùi bắp” thì có xu hướng “bỏ thí” luôn cho CSGT giữ giùm đến ngày nào thì… tùy.

“Soi” kỹ Nghị định 115/2013 thấy một số lỗ hổng mà người có  “xe cưng” quan ngại. Đó là quy định về nơi tạm giữ xe còn chung chung (chỉ cần bảo đảm về an toàn phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường).

Tại dự thảo Nghị định 115 sửa đổi, bổ sung mà Bộ Công an có quy định điều kiện đối với nơi tạm giữ là nhà, kho, bãi là: 1/ Phải bảo đảm an toàn, an ninh trật tự. Trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện ở ngoài trời thì phải bố trí mái che hoặc phương tiện chống mưa, nắng khác; 2/ Phải bảo đảm khô ráo, thoáng khí; có hệ thống thiết bị chiếu sáng; 3/ Xung quanh phải có hàng rào bảo vệ an toàn, có hệ thống thoát nước; 4/ Phải có nội quy ra vào, nội quy về phòng cháy và chữa cháy, trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp.

Với những quy định mới về điều kiện về nhà, kho, bãi tạm giữ xe của người vi phạm giao thông trên có lẽ sẽ có nhiều người an tâm khi giao “xe cưng” cho CSGT “giữ giùm”. Nhưng trong tâm lý người Việt và giao tiếp, xử lý các vấn đề xã hội thì hình thức bảo lãnh vẫn là văn minh, thuận lợi hơn. Nó đáp ứng được tâm lý “yêu, giữ xe như con” của không ít khổ chủ và cũng giúp cho Nhà nước không phải đầu tư quá nhiều tiền vào hệ thống nhà, kho, bãi tạm giữ theo đúng chuẩn.

Vài năm trước, CSGT ở một tỉnh đưa ra “ý tưởng” tháo, tạm giữ biển số rồi cho khổ chủ mang xe về cất ở nhà. Nay với ý định hoàn thiện quy định bảo lãnh xe cũng có ý kiến cho rằng khi cho người vi phạm đóng tiền bảo lãnh, đem xe về nhà thì họ sẽ chạy tiếp. Có lẽ quan ngại này hơi… bị thừa. Vì đã ở vào thời buổi 4.0 và Cục CSGT (C08) đã xây dựng hệ thống dữ liệu xe đang lưu hành, xe vi phạm trên toàn quốc thì xe đã vi phạm mà còn nhú ra đường là bị… tuýt còi ngay.

Điều người dân băn khoăn và mong Bộ Công an sớm sửa đổi, bổ sung là các điều kiện, trình tự, thủ tục đặt tiền bảo lãnh cần quy định cụ thể hơn nữa để thuận tiện áp dụng. Cùng với đó là trình tự, thủ tục đã đặt tiền bảo lãnh, đã chấp hành xong quyết định xử phạt thì “giải tỏa” xe ra sao…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm