Dòng Fair Play lan tỏa từ hiệu ứng Park Hang-seo

Điều đấy đến không phải vì thành tích hay vì sự hưởng ứng của người hâm mộ mà vì tư tưởng của một nhà cầm quân đã ăn sâu vào các học trò mình. Từ sân tập đến những trận đấu khắc nghiệt, thậm chí là có những trận bị đối thủ đá rất đau, rất rát nhưng các học trò thầy Park vẫn xác định chơi một thứ bóng đá đẹp dù là “kèo trên” hay “kèo dưới” cũng luôn tôn trọng đối thủ, tôn trọng khán giả.

Cứ nhìn các cầu thủ có những người rất “hổ báo” ở CLB, khi lên đội tuyển hay tập trung U-23 là tự động phải theo khuôn phép, phải có tiếng nói chung, phải gắn bó với toàn đội thì sẽ hiểu được tiêu chí hàng đầu của đội tuyển. Hay những clip sinh hoạt của toàn đội, những bữa tiệc sinh nhật hoặc những cảnh thầy trò bên nhau như cha con thì càng hiểu được cái “gia đình” ở đội tuyển và đội U-23 thế nào.

Hậu vệ Duy Mạnh khi đi cuối đoàn với lá cờ Tổ quốc trên tay mà nước mắt đầm đìa ở Thường Châu sau trận chung kết thua Uzbekistan đã khiến biết bao người xúc động khi nhìn anh lên đỉnh tuyết cắm lá cờ và kính cẩn cúi đầu chào. Suy nghĩ đấy, hành động đấy được chính Duy Mạnh chia sẻ rằng anh muốn có một kỷ niệm đẹp ở Thường Châu cùng các đồng đội đã vắt kiệt sức lực giữa cơn bão tuyết và hạnh phúc hơn khi nhìn lên khán đài tuyết ở Trung Quốc mà thấy ngập tràn những lá cờ Tổ quốc đồng hành cùng đội tuyển U-23.

Hay hình ảnh bốn cầu thủ Bùi Tiến Dũng, Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Hà Đức Chinh vui đùa với bé Tôm bị chứng bệnh hiểm nghèo thật đời thường nhưng đã lấy đi biết bao nước mắt của người xem trong chương trình Điều ước thứ 7. Hôm qua bé Tôm rất hồn nhiên trên sân khấu nói với giọng trong veo: “Con chúc mừng các chú! Việt Nam vô địch!”…

Họ, các cầu thủ, các học trò của thầy Park đã lan tỏa hình ảnh của mình, của bóng đá Việt Nam trên mọi kênh, mọi phương tiện truyền thông bằng những việc làm xuất phát từ tấm lòng. Những việc làm hết sức đời thường nhưng lắng đọng và sâu sắc.

Tôi còn nhớ những lần đầu tổ chức giải thưởng Fair Play, nỗi băn khoăn lớn của nhà tổ chức lẫn những người làm bóng đá là cái xấu mang hình hài của nhân vật đóng vai ác luôn lấn át ông thiện. Thế nhưng tất cả cùng hứa với nhau rằng sẽ làm đủ mọi cách bắt đầu từ việc nhặt rác rồi sẽ là dọn đất, trồng hoa cho khu vườn bóng đá bởi cứ sợ cái xấu ăn rễ thì không thể nào gieo cái đẹp được.

Đêm 11-3, khi thầy Park Hang-seo nhận danh hiệu “Vinh danh Fair Play” và hạnh phúc nhìn các học trò nhận những giải thưởng Fair Play, không chỉ ông thầy người Hàn Quốc mà đông đảo người hâm mộ cũng rất hạnh phúc. Đó là quả ngọt xuất phát từ tư tưởng đẹp của thầy Park đã làm thay đổi suy nghĩ về cách chơi bóng gắn với sự lan tỏa tính cộng đồng của các cầu thủ rất nhiều.

Trong khi ông thầy Park Hang-seo vẫn đeo đuổi chương trình cộng đồng “Gieo mơ ước - Give a dream” do chính ông khởi xướng và thực hiện trên khắp đất nước Việt Nam, nơi ông đang hành nghề thì các học trò ông đã và đang làm mới hình ảnh mình cả trên sân cỏ lẫn ngoài đời.

Fair Play mới tuổi lên bảy nhưng khu vườn bóng đá ngày nào toàn những nỗi lo giờ đã là khu vườn có những bông hoa đẹp… Những nét đẹp rất đời thường, dung dị đấy đã cho người hâm mộ thêm niềm tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm