Điểm cộng ở một phát hiện của Thanh tra Chính phủ

“Đề nghị chủ tịch UBND TP Hà Nội tổ chức xác minh, làm rõ các dấu hiệu trù dập, đồng thời áp dụng các biện pháp bảo đảm quyền lợi của người tố cáo…”.

“Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cần phải chấm dứt, không được có bất cứ hành vi kỳ thị, đối xử bất công đối với người tố cáo…”.

Không chỉ có vậy, “trưởng MRB sẽ phải thực hiện xin lỗi công khai về việc trù dập người tố cáo…”.

Đây là những thông tin đáng chú ý trong văn bản mới đây của Thanh tra Chính phủ gửi UBND TP Hà Nội về việc thực hiện kiến nghị kết luận thanh tra và bảo vệ người tố cáo các sai phạm ở dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Theo thông báo kết luận thanh tra vào cuối tháng 11, Thanh tra Chính phủ xác định MRB có nhiều thiếu sót, không rõ ràng khi ký hợp đồng tư vấn trọn gói với phía nước ngoài, khiến giá trị hợp đồng sau điều chỉnh tăng thêm 6,5 triệu USD so với ban đầu.

Cùng với đó, tại gói thầu số 1 có sự không minh bạch, không làm đúng quy định về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu… Qua đó cho thấy nội dung tố cáo trước đó của một phó MRB (để từ đó dẫn đến việc thanh tra và ra kết luận vào cuối tháng 11 như đã nêu) là có cơ sở.

Sẽ rất hợp lý khi những người có liên quan ở MRB bị các chế tài tương thích với tính chất, mức độ sai phạm. Bên cạnh đó, người tố cáo trung thực, tích cực cộng tác với cơ quan có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ lại ghi nhận có chuyện không hay rằng người có công góp sức phanh phui vi phạm ở MRB đã bị nhiều bất lợi.

Cụ thể, sau khi có kết luận thanh tra thì người tố cáo đã bị điều động làm công việc khác khiến thu nhập hằng tháng bị giảm. Chưa hết, người tố cáo còn bị xếp vào diện dôi dư, tinh giản biên chế…

Luật Tố cáo (khoản 8 Điều 8) nghiêm cấm hành vi trả thù, trù dập người tố cáo. Theo luật này, khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, danh dự… của người tố cáo đang bị xâm hại hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo thì người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự mình hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Chi tiết hơn, Thông tư 03/2020 của Bộ Nội vụ lưu ý: “Không thực hiện việc điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ (trừ khi thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định về việc phòng, chống tham nhũng hoặc được sự đồng ý của người tố cáo…)”.

Cũng theo Luật Tố cáo, cán bộ, công chức, viên chức khi là người tố cáo được bảo vệ sẽ được khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm…

Xem ra báo động của Thanh tra Chính phủ về việc có dấu hiệu trù dập sau khi có kết luận thanh tra MRB là kịp thời, cần thiết và việc cần phải nhanh chóng xác định trắng đen của UBND TP Hà Nội là điều tất yếu.

Cùng chờ các kết luận chính thức tiếp theo để dư luận có đủ căn cứ tin là các quy định nhân văn trong việc bảo vệ người tố cáo đúng đang được nhiều cơ quan tuân thủ, thực thi nghiêm minh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm