Đâu là tiếng nói chung ở BOT Cai Lậy?

Tình trạng trên cho thấy xung đột lợi ích giữa các chủ thể liên quan đã lên đến mức đỉnh điểm.

Cho đến chiều tối hôm qua (1-12), các bên vẫn tiếp tục khư khư giữ chặt lý lẽ của mình và không ai chịu ai.

Đại diện chủ đầu tư tiếp tục tái khẳng định với báo giới vị trí đặt trạm và mức phí tại trạm thu phí Cai Lậy đã được sự đồng ý của cơ quan chức năng và sẽ không có sự điều chỉnh nào nữa.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều cùng ngày, cho hay: Bộ đã rà soát lại tất cả quy định liên quan cho thấy thủ tục đầu tư dự án này không sai.

Trong khi đó, cánh tài xế và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy là bất hợp lý và đề nghị phải di dời trạm.

Chưa có một quyết định cuối cùng nào được đưa ra.

Vâng, ai cũng có lý của mình. Nhưng vấn đề là các tiếng nói chung đã không được tìm thấy ở mức độ tích cực hơn. Và nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thêm thì thiệt hại chắc chắn sẽ không chỉ là vật chất nữa. Các nguy cơ khác về an ninh, sự lây lan của khủng hoảng niềm tin và mức độ của các phản kháng là hoàn toàn có thể nhìn thấy được. Điều này buộc Chính phủ phải có giải pháp để dung hòa lợi ích của các bên.

Người ta có cảm giác các cơ quan liên quan không đột thẳng vào cốt lõi của vấn đề mà có vẻ như đang phải tốn công, tốn sức giải quyết những chuyện râu ria. Nhiều cảnh sát được huy động để giữ trật tự; để giải tỏa ùn tắc, lực lượng chức năng cho xe cẩu cẩu những xe trả phí bằng tiền lẻ đậu choán làn đường thu phí; để đáp ứng yêu cầu thối tiền lẻ cho tài xế, trạm phải đi tìm nguồn tiền lẻ mệnh giá 100 đồng… Đến khi ùn tắc kéo dài, hỗn loạn thì đành xả trạm!

Đó là những giải pháp tình thế trong khi vấn đề căn cơ, cốt lõi chưa ai lý giải thấu đáo: Vị trí đặt trạm đúng hay sai? Chủ đầu tư thu phí như vậy có hợp lý không?

Bộ GTVT đề nghị ủng hộ BOT Cai Lậy. Người ta chỉ ủng hộ cái đúng nhưng đến giờ chưa có ai ở Bộ GTVT trả lời cho suôn sẻ câu hỏi mang tính nguyên tắc: Không thụ hưởng dịch vụ sao bắt người dân trả tiền, hoặc đường chỉ nâng cấp, gia cường sao bắt người thụ hưởng trả tiền như đường làm mới? Thủ tục, quy trình đầu tư dự án có phù hợp đến đâu, nếu không lý giải ổn thỏa hai câu hỏi kia thì tình hình sắp tới không thể ổn.

Muốn giải quyết xung đột này, không còn cách nào khác là phải dung hòa lợi ích của các bên. Còn nếu vì lợi ích của bên này mà “ngó lơ” hoặc mặc kệ lợi ích của bên kia thì tình trạng sẽ ngày càng xấu.

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 1-12, trước sự phức tạp của tình hình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu bộ trưởng Bộ GTVT có báo cáo cụ thể về vấn đề BOT, nhất là BOT Cai Lậy. Thủ tướng cũng cho hay không để kéo dài tình trạng trên.

Hy vọng rằng từ chỉ đạo này của Thủ tướng sẽ nhanh chóng mở ra các hướng giải quyết tích cực, rốt ráo hơn.

Bởi tình hình cấp bách lắm rồi!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm