Đánh thức sự tử tế để ngăn cái ác

Lý do dẫn đến cái chết của ba người khó tin được lại đang hiện diện trong xã hội chúng ta. Nhìn rộng ra và nhìn lui vào quá khứ, chúng ta thấy có quá nhiều cái chết bắt đầu từ những lý do rất vụn vặt, không đâu.

Đâu rồi phương châm sống “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, mạng người ra đi chỉ vì một cái cây vươn sang hàng xóm, tranh chấp một thẻo đất không lớn hơn cái thắt lưng; đâu mất rồi tinh thần “thương người như thể thương thân”, một kẻ ác còn rất trẻ đã ra tay tước đi mạng sống của một người chỉ vì người ấy nhắc nhở vượt đèn đỏ; đâu mất rồi “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, cậu trẻ giết chết bà ngoại chỉ vì không cho tiền chơi game, con trai giết chết cha đẻ của mình vì bị mắng là thích nhậu, không chịu lao động. Một cái nhìn đểu, một lời mời bia, một yêu cầu không được đáp ứng ngay trong quán karaoke, một cú va chạm ngoài đường, một tình yêu bị cha mẹ khước từ… là nguyên nhân dẫn đến cái chết tức tưởi của ai đó, thậm chí là cả một gia đình đang yên ấm. Những chuyện quá nhỏ nhoi này dẫn đến thảm án sao lại xảy ra ở một đất nước có truyền thống tương thân tương ái?

Khi viết những dòng này, trong tôi tự nhiên xuất hiện hai câu chuyện nhỏ. Ấy là vào những ngày đầu vào Sài Gòn, tình cờ tôi có được một cuốn sách dành cho học sinh tiểu học, một bài thơ ngắn đập vào mắt và ngay lập tức tôi thuộc nằm lòng nó. Thơ rằng:Cái nhà là nhà của ta/ Ông cố ông sơ làm ra/ Cháu con cùng nhau giữ lấy/ Muôn năm giữ nước non nhà. Nhẹ nhàng mà sâu sắc quá, trước khi yêu nhân loại, quốc gia thì tình yêu bắt đầu từ nếp nhà của mình. Một nền giáo dục nhân bản thì không nhất thiết phải đao to búa lớn, hô khẩu hiệu. Khi một đứa trẻ không biết yêu ông bà, cha mẹ, hàng xóm láng giềng, không biết yêu hạt lúa, cọng cỏ, con trâu thì mai này với nó, tất cả chả là cái “đinh gì”.

Có một lần người bạn biếu nhà tôi hai con gà vườn còn sống, hai đứa con tôi cho chúng ăn uống. Khi tôi làm thịt, chúng khóc và nhất quyết không đụng đũa. Vậy là “nhân sinh tính bổn thiện”, ai sinh ra trên đời này cũng thiện lương cả, chỉ có điều làm sao nuôi dưỡng nó lớn lên theo năm tháng.

Không hiểu sao tôi cứ bị ám ảnh mãi câu nói của đạo diễn điện ảnh Trần Văn Thủy trong bộ phim Chuyện tử tế rằng “Tử tế vốn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài quốc gia, bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn”. Chí phải, nếu không đánh thức được sự tử tế thì GDP hơn hai số, nhà cao tầng chọc thủng trời xanh, ô tô chạy đầy đường…, tất thảy trở nên vô nghĩa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm