Dân chê quan: Nên phạt hay nghe?

Chính quyền tỉnh cho rằng có căn cứ để xử phạt. Ngược lại, số đông băn khoăn cách xử lý như thế của cơ quan chức năng là không cần thiết, nặng tay, mang tính áp đặt quyền lực với người bị cho là vi phạm…

Trước tiên phải minh định nói xấu một người nào đó, dù dưới bất cứ hình thức nào cũng là điều không nên có. Trong xã hội văn minh, chúng ta cần hình thành một văn hóa tranh luận trực tiếp, thẳng thắn với nhau. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin không bàn đến chuyện đó, mà chỉ tập trung vào cách hành xử của chính quyền trong trường hợp này đã thấu đáo chưa.

Trở lại câu nói bình phẩm của cô giáo trên Facebook: “Ông chủ tịch này kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang” mà cơ quan thẩm quyền cho là “xúc phạm uy tín, danh dự người khác” có nhiều điều chưa ổn.

Ở chiều phản ứng, người ta cho là bức ảnh mà cô giáo đưa lên Facebook kèm bình luận “kênh kiệu” là mang đầy cảm tính, chủ quan của riêng cô. Bởi với một bức ảnh, một con người thì chê, khen, bình phẩm thế nào là chuyện của họ. Không thể bắt cô phải nói tốt khi cô không ưa; không thể bắt cô bảo nó đẹp khi cô cho là khó nhìn. Nếu vin vào điều này mà xử phạt e khó thuyết phục.

Còn nhận định “Đây là vị chủ tịch xa dân nhất từ trước đến nay” cũng là cảm tính và khó có thể đo lường, chứng minh ngược lại. Hơn nữa, nếu suy diễn theo hướng tích cực, có thể xem đây là đặt hàng, là đòi hỏi, mong muốn của người dân, rằng chủ tịch tỉnh cần gần dân hơn nữa thì hà cớ gì phải xử phạt cô?

Về mặt luật pháp, uy tín danh dự vốn trừu tượng mà đến nay hành vi như thế nào thì được coi là xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác luật còn bỏ ngỏ, chưa có định nghĩa, định lượng nên khi xử lý rất dễ bị suy diễn.

Đành rằng câu bình của cô giáo nhạy cảm nhưng “Đức” của người lãnh đạo là lắng nghe dân, kể cả nghe những điều khó nghe để phục vụ tốt hơn. Nếu cầu thị, sao không mời những người bình phẩm, những người “like, comment” lên nghe họ giãi bày. Nếu họ đuối lý trước những điều họ bình phẩm, họ tự khắc nói ngược lại.

Áp dụng một quy định chưa rõ để xử phạt một hành vi có thể suy diễn, suy đoán theo nhiều hướng khác nhau trong khi có nhiều cách để xử lý là khiên cưỡng. Vậy sao An Giang không lựa chọn cách khác mà xử phạt dễ bị suy diễn là chúng ta sợ nghe người khác góp ý về mình?

Cách nhìn nhận của ông Nguyễn Văn Hơn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang, khi trả lời báoTuổi Trẻ ngày 17-11: “Đáng lý nên coi đó như câu nói bình thường, khi phát hiện chỉ nên yêu cầu xóa bỏ, nhắc nhở thôi” rất đáng cho các cơ quan chức năng suy ngẫm. Nó vừa hợp lòng dân, vừa không mang tiếng là nhạy cảm thái quá và không bị xem là sử dụng quyền lực hơi khiên cưỡng trong vụ việc…

VI TRẦN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm