Con các ông lớn và sự góp sức làm hỏng bộ máy!

Đó là trong tổng số 700 nhân sự của Đài Phát thanh-Truyền hình TP Hà Nội có đến 40% người làm việc không hiệu quả. Ác một nỗi là theo tổng giám đốc đài, số cán bộ này là con ông này, cháu bà kia ở trung ương, TP; tuy làm việc làng nhàng nhưng họ không vi phạm kỷ luật nên đài không thể loại bỏ.

Dù chưa rõ chế độ làm việc của 40% ấy và tạm chưa bàn đến sự thúc thủ, bất lực của người đứng đầu đài thì phản ánh trên đã cho thấy phần nào những lổn nhổn của việc tinh gọn bộ máy.

Theo Nghị định 108/2014, tinh giản biên chế là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác… Báo cáo của Văn phòng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương vào ngày 2-7 dẫu cho biết có hơn 35.000 người được tinh giản ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập… nhưng tính ra đã bốn năm mà chỉ giảm được 4,6%.

Hành xử chưa đúng của người đứng đầu là một trong những nguyên nhân chậm tinh giản biên chế. Trường hợp đã nêu của Đài Phát thanh-Truyền hình TP Hà Nội là một đơn cử khá thuyết phục cho đánh giá này của lãnh đạo Bộ Nội vụ. Cùng với đó, việc triển khai các chính sách tinh gọn bộ máy của nhiều địa phương nếu bị chệch thì có thể gây thêm bất ổn.

Căn cứ vào Nghị định 108, HĐND nhiều tỉnh, thành đã ban hành các nghị quyết hỗ trợ cho những cán bộ chịu nghỉ việc hoặc hưu non. Như ở TP.HCM, các trường hợp này sẽ được giải quyết thêm mấy tháng tiền lương (theo ước tính thì từ nay đến năm 2021 TP có thể chi hơn 380 tỉ đồng dành cho hơn 1.000 người như thế); Bắc Ninh hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/người; Đà Nẵng dự kiến hỗ trợ 100-200 triệu đồng/người… Nguồn tiền hỗ trợ lấy từ ngân sách nhà nước hoặc từ các nguồn thu hợp pháp của cơ quan, đơn vị đó.

Nếu không bắt buộc nên nhiều cán bộ diện tinh giản biên chế không tự nghỉ thì các thủ trưởng cơ quan chỉ còn biết cười trừ hay sao? Đối với bất kỳ ai, tuổi còn trẻ hay không còn trẻ, hễ không đảm bảo được chất lượng, kỷ luật lao động, cớ gì cơ quan không kiên quyết chia tay, không mạnh dạn thay thế, cắt giảm mà lại phải dụ họ nghỉ có thưởng? Nên nhớ là việc tiếp tục nhân nhượng những người không chịu làm hoặc không làm được việc và còn dùng tiền đóng thuế của dân để nuôi dưỡng họ gây mất công bằng và làm trì trệ bộ máy không thể nào là một quyết sách đặng lòng số đông.

Ngẫm lại, những rề rà của công tác tinh giản biên chế bắt nguồn từ những mâu thuẫn của các quy định và việc thực thi. Tiếng là rất muốn tinh giản nhưng đồng thời lại muốn giữ ổn định dù tinh giản là buộc phải có xáo trộn và quan trọng là biết chấp nhận những xáo trộn hợp lý để hướng sự phát triển mạnh mẽ. Để rồi cùng với việc duy trì nhiều đầu mối, nhiều cơ quan, chức năng, nhiệm vụ giẫm chân nhau trong bộ máy của Nhà nước lẫn bộ máy của Đảng cùng với những hạn chế trong tổ chức công việc… thì sự cả nể, ngại va chạm với những người bị xác định là thừa thãi (và với cả các quan chức là cha, mẹ… của họ!) mà công tác tinh giản biên chế đã nhiều lần thất bại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm