Bày tỏ ý kiến trên mạng là tốt!

Có thực tế là các công chức tham gia mạng xã hội với tâm thế “đọc là chính”, hoặc chỉ tìm hiểu thông tin, hoặc để giải trí chứ ít khi phát ngôn hay bày tỏ quan điểm. Rất hiếm gặp những nickname trên mạng xã hội của công chức, quan chức có sức ảnh hưởng lớn bằng thông tin và quan điểm ở Việt Nam như trường hợp Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hẳn nhiên, có nhiều lý do để công chức hay quan chức không hiện danh tính và quan điểm của mình trên mạng xã hội. Có thể đó là những “nội quy” của cơ quan hoặc những ảnh hưởng “không mong muốn” của việc bày tỏ quan điểm công khai trước các vấn đề xã hội và các chính sách.

Trong khi đó, nếu có sự xuất hiện của những công chức, đặc biệt là quan chức thì mạng xã hội có lẽ sẽ “lành mạnh” hơn như mục đích của việc “xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” mà Bộ TT&TT đang tiến hành. Điểm đáng chú ý trong việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử vì “môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam” là vấn đề công chức, viên chức tham gia mạng xã hội.

Bộ quy tắc này đề xuất công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước phải công khai trên mạng xã hội, ứng xử với các vấn đề chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với vai trò, nguyên tắc, quyền hạn của cá nhân và của cơ quan chủ quản. Đương nhiên, bộ quy tắc cũng nói rõ việc ứng xử ấy là của cá nhân công chức, viên chức… chứ không đại diện hay do cơ quan chủ quản ủy quyền.

Thực ra, điều này không có gì là quá “nguy hiểm” hay trái các quy định của luật. Hiến pháp 2013 đã hiến định quyền của công dân trong việc bày tỏ quan điểm, tham gia thảo luận, kiến nghị về các vấn đề của đất nước, chính sách của Nhà nước. Mà công chức hay quan chức, kể cả cấp cao, trước hết họ là công dân và phải thực hiện nghĩa vụ ấy. Có những quan điểm hay phát ngôn cá nhân rất khó được công khai tại môi trường nhà nước nhưng nó lại hoàn toàn có thể công khai đối với xã hội và mạng xã hội là một nơi phù hợp để công chức, quan chức bày tỏ quan điểm, thực hiện quyền tự do ngôn luận đã được hiến định.

Không cấm đoán, thậm chí ở góc độ nào đó nó còn khuyến khích việc công chức, viên chức “mở miệng” để đóng góp, thúc đẩy sự phát triển của xã hội nên bộ quy tắc yêu cầu công khai danh tính, hình ảnh, cơ quan mà chủ tài khoản sử dụng để họ có trách nhiệm với phát ngôn của mình.

Chuyện đó cũng tốt mà!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm