Thêm nhiều đô thị: Tiền đâu?

Chiều 13-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các tờ trình của Chính phủ về sáu đề án: Thành lập thị xã Giá Rai (Bạc Liêu), thành lập thị xã Duyên Hải (Trà Vinh); thành lập thị xã Long Mỹ (Hậu Giang), thành lập mới huyện Phú Riềng (Bình Phước), thành lập thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên); mở rộng địa giới thị xã Sầm Sơn, thị trấn Nông Cống thuộc huyện Nông Cống, thị trấn Rừng Thông thuộc huyện Đông Sơn (Thanh Hóa).

Hơn 47.000 tỉ cho chia tách, mở rộng?

Điều băn khoăn nhất của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là khi các địa phương trình đề án, Chính phủ thông qua thì chưa có Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức theo hướng quy định chặt chẽ điều kiện, tiêu chí thành lập, giải thể, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp, bảo đảm cơ bản không tăng số lượng đơn vị hành chính ở địa phương. “Giờ Nghị quyết 39 ra rồi thì các đề án này là “có chuyện”” - ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng nêu một loạt các vấn đề khác: “Một số địa phương lên thị xã nhưng cơ sở hạ tầng cơ bản chưa đảm bảo. Có huyện chưa thấy thị trấn, vậy thì ủy ban huyện nằm ở đâu? Việc tổ chức chính quyền ở những địa phương này sẽ như thế nào? Lên thị xã, huyện rồi thì có bầu lại HĐND không?”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt nhiều câu hỏi xung quanh dùng kinh phí ở đâu để thực hiện các đề án thành lập, mở rộng đô thị. Ảnh: TTXVN

Liên quan đến số tiền chi cho việc thành lập, mở rộng địa giới của các địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn về việc mỗi nơi đề xuất một khoản kinh phí khác nhau. Cùng băn khoăn này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt ra hàng loạt câu hỏi.“Thực hiện các đề án này sẽ dùng kinh phí ở đâu? Chính phủ xây dựng kế hoạch trung hạn năm năm từ năm 2016 đến 2020, tôi được biết sẽ bố trí một lượng tiền lớn đầu tư cho giai đoạn này, vậy các đề án này đã nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn chưa?”.

Trước đó tại một hội thảo ở Đà Nẵng, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay: Tổng mức vốn đầu tư phục vụ cho việc chia tách, mở rộng các đô thị này vào hơn 47.000 tỉ đồng. Trong đó số tiền dành cho việc thành lập thị xã Phổ Yên và TP Sông Công (Thái Nguyên) đã lên tới con số 9.387 tỉ đồng và con số đó cho việc mở rộng thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) lên đến 31.000 tỉ đồng. Nhóm nghiên cứu này cũng cho hay số lượng biên chế phát sinh từ sự thành lập, mở rộng các đơn vị này dự kiến tăng tối thiểu cũng hơn ngàn người.

Phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về các đề án trên, PGS-TS Nguyễn Cửu Việt (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho hay: Vấn đề thành lập, thay đổi... đơn vị hành chính là rất quan trọng nên cần phải làm chặt chẽ, thận trọng. Nhất là điều đó phải xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đó chứ không phải làm theo phong trào. “Khi anh đủ điều kiện thì mới cho anh được thành lập đô thị chứ không thể cho anh lên khi chưa đủ điều kiện. Không thể thành lập đô thị cho tương lai được và phải có phương án hạn chế chi tiêu về ngân sách và biên chế, vì hiện nay gánh nặng ngân sách và nợ công đang cao” - PGS-TS Việt lưu ý.

Chuyên gia hành chính Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Nội vụ, cũng cho rằng: Quá trình đô thị hóa nông thôn lên đô thị phải là một quá trình tự nhiên, không được gò ép, vì điều này tiêu tốn rất nhiều tiền và biên chế, trong khi đó đã có nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế.

Ông Sơn cũng cho rằng việc chưa đủ độ chín, chưa đủ các điều kiện, tiêu chuẩn, cơ sở hạ tầng, chưa chuẩn bị kỹ về chất lượng quản lý mà lên đô thị theo kiểu đua nhau thì sẽ dẫn đến những đô thị nhếch nhác, đô thị không ra đô thị, nông thôn không ra nông thôn. Đô thị, khi đó chỉ có cái mác, còn người dân sống trong đô thị không được hưởng đầy đủ nhu cầu của thị dân và ngay cả bộ máy quản lý nếu không thay đổi kịp tư duy từ quản lý nông thôn sang đô thị thì sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy.

“Việt Nam mình chưa phát triển đến mức đô thị phải tràn lan như hiện nay. Nên chăng mỗi tỉnh có một đô thị cho xứng tầm, khi nào kinh tế phát triển thì sẽ tự thân lên thôi. Việc lên đô thị phải hình thành một cách tự nhiên, từ đòi hỏi cấp bách của cuộc sống chứ không phải đòi hỏi từ ý chí chủ quan bằng một quyết định hành chính để sau một đêm một vùng lãnh thổ nông nghiệp, nông thôn trở thành đô thị, nông dân trở thành thị dân” - ông Sơn khuyến nghị.

Sáng nay (14-5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về các đề án trên.

Dự báo thời tiết sai phải bị quy trách nhiệm

Chiều 13-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Khí tượng thủy văn. Trách nhiệm trong việc dự báo thời tiết, dự báo thủy văn sai được nhiều đại biểu đặt ra. “Dự báo bão sai đã có, dự báo bão vào địa phương này nhưng thực tế lại không vào, dự báo bão mạnh nhưng thực tế lại là bão yếu. Mặt khác, có cơ quan truyền thông dùng kỹ xảo hình ảnh đưa ra những hình ảnh thiệt hại nặng nề, thực tế thì không đến mức như vậy. Khi thông tin như thế làm nhà đầu tư e ngại đầu tư vào các khu vực này”. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu thực tế. Theo ông Sơn, cần quy định rõ trong Luật Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi dự báo sai.

Điểm mới đáng chú ý tại dự thảo là cho xã hội hóa việc dự báo thời tiết, thủy văn. Cụ thể, cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước có đủ điều kiện thì được hoạt động dự báo thời tiết, thủy văn. “Mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn hiện đang rất thưa. Xã hội hóa để tăng các trạm lên, qua đó tăng chất lượng dự báo. Việc xã hội hóa sẽ tăng nguồn lực đầu tư cho việc dự báo thời tiết, thủy văn. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn quản lý đầu mối thông tin đưa ra. Trung tâm phát tin đi là cơ quan nhà nước. Cá nhân, tổ chức có thể mua thông tin dự báo thời tiết, thủy văn…” - Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho biết.

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm