ỨNG CỬ VIÊN ĐẠI BIỂU HĐND TP.HCM TRẦN ANH TÚ:

‘Thể thao TP.HCM không nên chạy theo thành tích’

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) TP.HCM - ứng cử viên đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021(đơn vị bầu cử số 35 - huyện Nhà Bè), nói: “Với kinh nghiệm của người vừa là doanh nhân vừa hoạt động trong lĩnh vực bóng đá, dù có trúng cử hay không, tôi cũng sẽ đóng góp hết sức mình cho bóng đá TP nói riêng và thể thao TP nói chung để TP.HCM xứng đáng là trung tâm bóng đá và thể thao của cả nước”.

Đưa ngành thể thao có tiếng nói trong HĐND

. Phóng viên:ứng cử viên duy nhất của ngành thể thao TP.HCM ứng cử vào HĐND, ông có cảm thấy bị áp lực?

+ Ông Trần Anh Tú: Tôi không bị áp lực về công việc của một đại biểu HĐND nếu trúng cử nhưng áp lực về thời gian thì có. Hiện nay, công việc của LĐBĐ chiếm khá nhiều thời gian của tôi. Vì thế, nếu trúng cử thì tôi sẽ phải cố gắng sắp xếp thời gian để hoàn thành nhiệm vụ của một đại biểu HĐND.

. Vừa là một doanh nhân, ủy viên thường trực VFF, chủ tịch LĐBĐ TP.HCM (HFF), ủy viên Ban Futsal,… ông có quá bận rộn và đảm bảo thời gian đại diện cho tiếng nói của người dân TP.HCM không chỉ riêng ở lĩnh vực thể thao?

+ Tuy rất bận nhưng tôi nghĩ rằng vẫn có thể sắp xếp được thời gian. Ngành thể thao TP.HCM giao nhiệm vụ cho tôi thay mặt ngành để ra ứng cử đại biểu HĐND nhằm mục đích góp phần cho thể thao TP.HCM có tiếng nói trong HĐND để mọi người ngày càng quan tâm đến thể thao hơn.

. Có một thực tế trong hơn một thập niên đã qua, ngành thể thao TP.HCM không còn nắm lá cờ đầu của cả nước ở rất nhiều bộ môn (bóng đá, điền kinh, bóng chuyền, bơi lội, bóng bàn, quần vợt, các môn võ…). Theo ông, nguyên nhân do đâu và làm sao để thể thao TP.HCM trở lại thời hoàng kim?

+ Thể thao TP.HCM không còn mạnh như những năm trước đây có nhiều lý do. Để làm cho thể thao TP.HCM trở lại thời hoàng kim là cả một chiến lược lớn của ngành. Kinh phí cho thể thao thành tích cao cũng như việc đào tạo năng khiếu còn đang dựa phần lớn vào Nhà nước nên rất khó khăn. Tôi nghĩ nếu kêu gọi được nhiều nguồn từ xã hội thì chắc chắn sẽ khắc phục được khó khăn này.

Riêng bộ môn Futsal là một điển hình khi không quá bị phụ thuộc vào kinh phí nhà nước. Tiếp đó, chúng ta không quá đầu tư dàn trải mà nên tập trung vào những môn Olympic. Để làm được việc này thì các cấp lãnh đạo phải chấp nhận việc không chạy theo thành tích. Đi vào cụ thể từng môn, điểm yếu của thể thao hiện nay là thiếu thầy giỏi, vì vậy phải tập trung đào tạo thầy giỏi trước, khi đó mới có vận động viên (VĐV) giỏi.

Với cơ chế hiện nay, khó trách thể thao TP.HCM kém so với trước. Nhưng nếu được xã hội quan tâm mạnh mẽ thì chắc chắn thể thao TP.HCM sẽ vượt qua cơ chế mà vươn lên.

Niềm vui của ông Trần Anh Tú khi giúp đội tuyển Futsal Việt Nam lần đầu tiên đoạt vé chơi ở giải vô địch thế giới vào tháng 9-2016 ở Colombia. Ảnh: QUANG THẮNG

Giữ nhân tài cho thể thao TP

. Thể thao TP.HCM từng là nơi hội tụ nhân tài nhưng gần đây xảy ra rất nhiều hiện tượng chảy máu chất xám. Ông nghĩ sao về hiện tượng này và phương án “cầm máu” khả dĩ nhất để giữ chân tài năng trên nhiều lĩnh vực?

+ Tôi thấy nguyên nhân chủ yếu do chế độ đãi ngộ nhân tài. Nếu hoàn toàn bị phụ thuộc vào Nhà nước thì chắc chắn chế độ đãi ngộ không thể cao được. TP.HCM hiện nay đang bỏ ra rất nhiều kinh phí để đào tạo ra nhiều VĐV tài năng. Thế nhưng khi bắt đầu có thành tích thì các địa phương khác lại lôi kéo VĐV bằng các chế độ đãi ngộ lớn hơn khả năng kinh phí của TP.HCM dành cho các VĐV này rất nhiều. Vì thế, các VĐV này sẽ chọn nơi có chế độ tốt hơn để ký hợp đồng. Để khắc phục, ngoài việc có hợp đồng đào tạo chặt chẽ thì ngoài chế độ của Nhà nước, việc tìm thêm được chế độ đãi ngộ cho các VĐV này sẽ giúp cho họ yên tâm ở lại thi đấu cho TP.HCM.

. Cách đây bốn năm, ông trúng cử vào chức vụ chủ tịch LĐBĐ TP.HCM (HFF) với những chương trình hành động cụ thể về bóng đá trẻ, học đường, bóng đá nữ,… Ngoài tiếng vang từ chiếc vé chơi vòng chung kết thế giới Futsal, ông tự nhìn nhận về những mặt còn hạn chế của bóng đá TP.HCM và hướng phát triển?

+ So với bốn năm trước thì tình hình đã tốt hơn, phong trào bóng đá TP.HCM rất phát triển, đào tạo trẻ có đầu vào tốt hơn, đội nữ được quan tâm hơn, bóng đá học đường đang phát triển. Futsal thì ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm của cả nước.

Tuy nhiên, bóng đá TP.HCM còn quá nhiều khó khăn. Chúng ta đang thiếu cơ sở vật chất cho bóng đá học đường cũng như đào tạo bóng đá trẻ. Đầu vào cho bóng đá nữ cũng rất khó. Lực lượng trẻ đủ sức kế cận cho đội hạng nhất hiện nay cũng còn rất thiếu. Các CLB Futsal ở TP.HCM hiện nay mới chỉ có Thái Sơn Nam là bài bản và chuyên nghiệp, các CLB khác vẫn còn hoạt động theo tính phong trào, sự bền vững còn chưa chắc chắn.

. Xin cám ơn ông.

Quyết tâm đưa đội tuyển TP.HCM trở lại sân chơi lớn

Tôi đã xây dựng môn bóng đá trong nhà (Futsal) của TP.HCM cũng như của cả nước ngày càng phát triển. TP.HCM hiện nay là trung tâm của cả nước của môn bóng đá Futsal và là nòng cốt của đội tuyển quốc gia vừa đoạt vé tham dự giải vô địch thế giới vào tháng 9-2016 ở Colombia. Đây là lần đầu tiên một đội tuyển bóng đá Việt Nam được tham dự giải vô địch thế giới.

Bóng đá sân 11 người sau một thời gian dài khủng hoảng, với trách nhiệm là người phụ trách bóng đá của TP, sau bốn năm xây dựng lại, tôi đã và đang góp phần để quyết tâm đưa đội hạng nhất của TP sang năm tham dự giải vô địch quốc gia.

Ông Trần Anh Tú sinh năm 1963 tại Nghệ An. Ông tốt nghiệp Học viện Quân sự chuyên ngành điện phát dẫn; ĐH Luật TP.HCM chuyên ngành luật kinh tế. Ông hiện là chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH TM Thái Sơn Nam, chủ tịch HFF, trưởng Ban Futsal VFF, ủy viên thường trực VFF.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm