Thế giới ứng phó nguy cơ đại dịch toàn cầu COVID-19

Tính đến 20 giờ ngày 1-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (TQ) ghi nhận toàn thế giới có hơn 3.000 ca tử vong vì COVID-19, số ca nhiễm vượt quá 87.000 người. Dù vậy, ủy ban này cũng cho biết có gần 43.000 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị thành công.

Đến nay đã có 124 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ TQ đại lục, gồm 54 ca ở Iran, 20 ca ở Hàn Quốc, 12 ca ở Nhật Bản (tính cả du thuyền Diamond Princess neo ở cảng Yokohama), hai ca ở đặc khu Hong Kong, 29 ca ở Ý, một ca ở Đài Loan, hai ca ở Pháp, một ca ở Philippines, một ca ở Mỹ, một ca ở Thái Lan và một ca ở Úc.

Phát biểu trong họp báo ngày 28-2 (giờ địa phương), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Adhanom Ghebreyesus cho biết đã nâng mức cảnh báo rủi ro toàn cầu của dịch COVID-19 từ mức cao lên mức rất cao. Ông Ghebreyesus cũng bày tỏ sự lo ngại trước tốc độ lây lan của virus và số lượng ca nhiễm tăng nhanh ở nhiều nước, theo hãng tin Reuters.

Châu Á tiếp tục diễn biến phức tạp

Chỉ trong thời gian ngắn, số ca nhiễm COVID-19 tại Hàn Quốc đã tăng lên chóng mặt, khiến nước này trở thành quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao thứ hai trên thế giới chỉ sau TQ. Hai ngày gần đây, Hàn Quốc xác nhận thêm hơn 1.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm bệnh trên toàn quốc lên gần 4.000 trường hợp. Đây là mức tăng lớn nhất của nước này tính đến nay. Hơn 90% số trường hợp nhiễm mới từ TP Daegu - tâm dịch của Hàn Quốc và tỉnh kế cận Bắc Gyeongsang.

Về phía Nhật Bản, nước này trong ngày 1-3 ghi nhận ca tử vong thứ sáu là một bệnh nhân nam 70 tuổi ở TP Hokkaido. Người này được nhập viện ngày 17-1 và xét nghiệm dương tính ngày 25-2. Đến nay, Nhật Bản ghi nhận hơn 250 ca nhiễm COVID-19, phần lớn tập trung ở Hokkaido. Hiện chính quyền Hokkaido đã ban bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi người dân tránh ra ngoài và tụ tập đông người. Các trường học trên khắp Nhật Bản đã tạm đóng cửa trong 1-2 tuần tới nhằm cản đà lây lan của dịch bệnh.

Cùng ngày, giới chức y tế Thái Lan cho biết nước này vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do COVID-19. Bệnh nhân là nam giới, 35 tuổi, đồng thời bị sốt xuất huyết. Hiện chưa có thêm thông tin chi tiết về lịch sử dịch tễ và nơi cư trú của bệnh nhân này. Đến nay, Thái Lan đã ghi nhận hơn 40 trường hợp dương tính với virus.

Một nhóm bác sĩ ở bệnh viện Daegu Fatima, TP Daegu (Hàn Quốc) đang kiểm tra ảnh chụp phổi một bệnh nhân nhiễm COVID-19 ngày 29-2. Ảnh: AFP

COVID-19 lan rộng ở châu Âu

Ý, tâm dịch COVID-19 tại châu Âu, tiếp tục chật vật chống đỡ với COVID-19 khi số người lây nhiễm đã lên đến hơn 1.000 người với 29 ca tử vong. Dù hiện tại dịch vẫn tập trung tại hai điểm nóng là Lombardy và Veneto ở miền Bắc nước Ý nhưng một số ca nhiễm đã xuất hiện ở miền Nam nước này. Hơn 12 thành phố tại các vùng Lombardy và Veneto đã bị phong tỏa, khoảng 50.000 người dân không được phép đi khỏi địa phương. Nhưng bất chấp thực tế, COVID-19 vẫn đã lây lan tới bảy khu vực khác, trong đó có Sicily.

Một số quốc gia chỉ có vài ca nhiễm COVID-19 vào đầu tuần này tiếp tục chứng kiến số người nhiễm gia tăng. Ví dụ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Đức đã vượt mốc 100 người, gấp gần năm lần so với tuần trước.

Trong khi đó, Pháp ngày 1-3 ghi nhận 104 ca nhiễm virus COVID-19. Trong số này, hai người đã tử vong, 12 người bình phục và 90 người vẫn đang được điều trị trong bệnh viện. Tám người đang trong tình trạng nguy kịch.

Giới chức Pháp cho hay số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh so với lần công bố trước đó là do Pháp phát hiện một ổ dịch ở khu vực l’Oise với 36 người nhiễm. Dù vậy, chính quyền Paris khẳng định điều quan trọng trước mắt vẫn là phải ngăn virus bùng phát, giảm sự lây lan và bảo vệ các khu vực có ít hoặc không có ca nhiễm bệnh.

Một số quốc gia Đông Âu như Belarus, Estonia và Lithuania cũng đã có trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên, những người này đều liên quan tới các điểm nóng ngoài châu Á như Hàn Quốc hoặc Ý. Điều khiến giới chuyên gia lo lắng là chính sách thị thực khối Schengen của châu Âu có thể khiến diễn biến của dịch bệnh thêm phức tạp, tuy nhiên Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa có động thái sẽ siết chặt các quy định nhập cảnh.

COVID-19 chực bùng phát ở Mỹ

Hôm 1-3, truyền thông Mỹ đưa tin đã có ca tử vong được ghi nhận tại hạt King, khu vực gần TP Seattle thuộc bang Washington. Trong cuộc họp báo sau vụ việc, Tổng thống Donald Trump cho biết bệnh nhân tử vong là một phụ nữ trong độ tuổi 50, thuộc nhóm “rủi ro cao về sức khỏe”.

Hiện Washington đã công bố các biện pháp mở rộng lệnh cấm nhập cảnh đối với Iran, một trong những nước đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19, đồng thời khuyến cáo người dân Mỹ không đi tới các vùng có dịch ở Hàn Quốc.

Đến tối 1-3, Mỹ ghi nhận 69 ca nhiễm COVID-19 với một trường hợp tử vong. Ít nhất bốn bệnh nhân đã được xác nhận dương tính với virus dù chưa tới các nước có dịch hoặc có mối liên hệ hay tiếp xúc với các ca bệnh trước đó.

Tình hình dịch ở Hàn Quốc và Ý rất đáng quan tâm. Những gì đang xảy ra ở đây hoàn toàn có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới nên chúng ta phải luôn không ngừng cảnh giác.

GS ARNAUD FONTANETViện Pasteur (Pháp) 

COVID-19 - những kịch bản có thể xảy ra

Hiện có rất nhiều tranh cãi về thời điểm dịch COVID-19 sẽ đạt đỉnh (thời điểm số ca nhiễm mới trong một ngày đạt số lượng cao nhất), những chuyên gia lạc quan nhận định đỉnh dịch đang diễn ra khi số ca nhiễm đang có dấu hiệu đi xuống. Trong khi đó, một số ý kiến khác lại cho rằng phải thêm vài tháng nữa COVID-19 mới đạt đỉnh và con số nhiễm bệnh sẽ lên tới hàng triệu người.

Dù vậy, việc dự đoán thời điểm đạt đỉnh của COVID-19 là không hề dễ dàng và đang gây nhiều tranh cãi, một phần nguyên nhân là do quá nhiều ẩn số chưa thể làm sáng tỏ, theo tờ South China Morning Post.

Mới đây, Zhong Nanshan, một chuyên gia dịch tễ học nổi tiếng của TQ, đã đưa ra lời nhận định rằng dịch COVID-19 có thể đã đạt đỉnh vào cuối tháng 2. Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia thống kê Sebastian Funk tại ĐH Columbia (Mỹ) cho biết: “Dự đoán của chúng tôi dựa trên hệ số lây nhiễm (R). Cụ thể, nếu một người ở Vũ Hán nhiễm COVID-19, họ sẽ có thể lây lan trung bình 1,5-4,5 người khác”.

Việc số ca nhiễm mới cũng như số ca tử vong vì COVID-19 đang giảm dần trong những ngày gần đây chính là các bằng chứng thực tế củng cố cho dự đoán này. Dù vậy, nhìn nhận dưới góc độ khoa học, một số chuyên gia vẫn cho rằng kịch bản này là quá lạc quan.

“Việc nhiều thành phố ở TQ đã quay lại làm việc sau một đợt nghỉ dài có thể là tác nhân khiến sự lây nhiễm gia tăng” - chuyên gia dịch tễ học Hiroshi Nishiura thuộc ĐH Hokkaido (Nhật Bản) nhận định.

Theo mô hình dự đoán của chuyên gia này, đỉnh dịch sẽ xảy ra vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến cuối tháng 5. Đồng thời, vào ngày dịch đạt đỉnh sẽ có đến 2,3 triệu ca nhiễm mới trên thế giới. Ủng hộ kịch bản này, chuyên gia dịch tễ học của ĐH Hong Kong Gabriel Leung cho rằng dù những con số về dịch bệnh mà chuyên gia người Nhật đưa ra nghe có vẻ quá “trầm trọng” nhưng hoàn toàn có thể thành sự thực, bởi đây là một loại virus mới.

“Nhiều nhà khoa học cho rằng các biện pháp kiểm soát dịch, về tổng thể có thể không làm giảm đáng kể số người nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nó sẽ kéo dài thời gian để dịch đạt đỉnh, thông qua việc làm chậm quá trình lây lan” - ông Leung cho biết.

Tỉ phú Bill Gates: COVID-19 là dịch bệnh xuất hiện “một lần mỗi thế kỷ”

Hôm 29-2, tỉ phú người Mỹ Bill Gates đã kêu gọi các nước phát triển hỗ trợ các nước thu nhập trung bình và thấp cải thiện hệ thống chăm sóc y tế nhằm làm chậm tốc độ lây lan của virus COVID-19. Ông cũng cho rằng virus COVID-19 đang gây ra dịch bệnh xuất hiện “một lần mỗi thế kỷ”.

Đến nay, quỹ từ thiện Bill and Melinda Gates Foundation đã cam kết chi 100 triệu USD cho các nỗ lực đối phó COVID-19 trên toàn thế giới. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm