Thay đổi cán bộ bị dân tố cáo 'lọt' vào đoàn kiểm tra

Ngày 23-8, một lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa xác nhận UBND tỉnh này đã có công văn gửi Thanh tra Chính phủ cử ông Nguyễn Hữu Hòa, Phó chánh Thanh tra tỉnh Khánh Hòa, tham gia đoàn kiểm tra do Thanh tra Chính phủ chủ trì kiểm tra, rà soát những nội dung phản ánh, kiến nghị của một số hộ dân liên quan đến dự án khu du lịch - giải trí Sông Lô tại TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Người dân cho rằng việc thu hồi đất để thực hiện dự án Sông Lô có nhiều sai phạm. Ảnh: TẤN LỘC

Theo công văn trên, ông Nguyễn Hữu Hòa được UBND tỉnh Khánh Hòa cử tham gia đoàn kiểm tra, thay thế ông Mai Xuân Hưng, Phó giám đốc Sở TN&MT Khánh Hòa. Lý do thay thế là “theo đề nghị của Thanh tra Chính phủ và nhu cầu công tác”.

Trước đó, tháng 7-2020, UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn cử ông Mai Xuân Hưng tham gia đoàn kiểm tra do Thanh tra Chính phủ chủ trì. Ngày 17-8, Thanh tra Chính phủ ban hành quyết định kiểm tra, rà soát đối với những nội dung phản ánh, kiến nghị của một số hộ dân liên quan đến dự án Sông Lô. Theo quyết định này, Thanh tra Chính phủ thành lập đoàn kiểm tra với bảy người, trong đó có ông Mai Xuân Hưng. Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát đối với những nội dung phản ánh, kiến nghị của một số hộ dân liên quan đến dự án Sông Lô; đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định pháp luật, báo cáo tổng Thanh tra Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ.

Ngay sau đó, đại diện các hộ dân có đơn đề nghị loại bỏ ông Mai Xuân Hưng, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang, nguyên Chủ tịch Hội đồng đền bù, hỗ trợ tái định cư dự án Sông Lô, hiện là Phó giám đốc Sở TN&MT Khánh Hòa, ra khỏi đoàn kiểm tra.

Theo người dân, từ năm 2003 đến nay, ông Hưng liên tục bị nhiều người dân tố cáo, đề nghị thanh tra, điều tra về các dấu hiệu sai phạm trong việc thu hồi đất thực hiện dự án Sông Lô. Nhiều người dân khiếu nại, tố cáo đích danh ông Mai Xuân Hưng, cho rằng ông này đã có hành vi vi phạm pháp luật, ra quyết định thu hồi đất trái luật đối với 198 hộ dân, ba tổ chức.

Người dân cũng đang tố cáo ông Mai Xuân Hưng ra các quyết định cưỡng chế thu hồi đất trái luật để giao cho Công ty TNHH Thương mại, xây dựng Hoàn Cầu làm dự án Sông Lô. Người dân từng đề Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các sai phạm của ông Mai Xuân Hưng và nhiều cán bộ tỉnh Khánh Hòa. Do đó, người dân cho rằng việc cử ông Mai Xuân Hưng tham gia đoàn kiểm tra của Thanh tra Chính phủ là không phù hợp, khó khách quan.

Người dân bày tỏ mong muốn được gặp đoàn kiểm tra để cung cấp tài liệu, trình bày các sai phạm xảy ra tại dự án Sông Lô. Người dân cũng đề nghị được phản biện nếu nhận thấy trình bày của UBND tỉnh Khánh Hòa có dấu hiệu bao che cho các sai phạm. Hiện việc cử người thay thế của tỉnh Khánh Hòa đang được Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định.

Như PLO đã thông tin, giữa tháng 6-2020, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp Bộ TN&MT, UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, rà soát những nội dung phản ánh, kiến nghị của các hộ dân liên quan đến dự án Sông Lô. Việc kiểm tra, rà soát này để có biện pháp giải quyết theo đúng quy định pháp luật và có văn bản thông báo đến Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội kết quả giải quyết.

Trước đó, vào đầu tháng 6-2020, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của dân bị thu hồi đất tại dự án Sông Lô. Ông Nhưỡng cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét xử lý trách nhiệm các cá nhân, cơ quan, đơn vị liên quan.

Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội dẫn đơn kiến nghị của người dân cho rằng UBND tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều sai phạm trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong quá trình triển khai thực hiện thu hồi đất, tái định cư, giải phóng mặt bằng… liên quan đến dự án Sông Lô.

Ông Lưu Bình Nhưỡng dẫn phản ánh cùng tài liệu của người dân cho rằng diện tích đất thu hồi theo quyết định của Thủ tướng ban hành hồi năm 2001 dựa trên bảy bản đồ trích đo từ số 24 đến 30 do Sở Địa chính tỉnh Khánh Hòa xác lập năm 2001. Tuy nhiên, đa số diện tích đất của người dân bị thu hồi đất lại nằm ở các tờ bản đồ số 22, 23 lập năm 1996.

Ông Nhưỡng nêu quá trình thu hồi đất của rất nhiều hộ dân đã không đảm bảo các căn cứ, cơ sở pháp lý căn bản. Cụ thể là không công khai bản đồ quy hoạch dự án, từ đó dẫn đến sự tùy tiện, vi phạm nguyên tắc dân chủ. Một số tài liệu có liên quan đến khu đất dự án có dấu hiệu bị giả mạo, trong đó có bảy tờ bản đồ đã bị sửa chữa tên, ngày xác lập.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm