Thanh tra giao thông phải “nuôi cơm” người vi phạm

“Công việc nhiều, địa bàn rộng, lực lượng thiếu, quy định pháp luật chưa chặt chẽ, ý thức của người tham gia giao thông thấp… luôn là “vật cản” đối với lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải”. Đó là những vấn đề được nêu ra tại Hội nghị công tác Thanh tra Giao thông Vận tải (GTVT) khu vực phía Nam ngày 9-4.

Bỏ xử phạt, đường bê bối

Trước tháng 5-2009, lực lượng Thanh tra GTVT còn được trao quyền thanh tra, kiểm tra, xử lý thường xuyên hoặc đột xuất việc bảo đảm cầu, đường bộ sau duy tu, bảo dưỡng, tái lập mặt đường ở nơi vừa đào, đặt các công trình ngầm. Theo ông Trần Hồng Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, chỉ trong bốn tháng đầu năm 2009, lực lượng này đã phát hiện, xử phạt 70 trường hợp vi phạm các quy định trên. Ngoài ra, người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư thuộc Sở GTVT còn bị xử lý kỷ luật theo các quy định về cán bộ, công chức. Từ đó, chất lượng cầu đường luôn được đảm bảo.

Tuy nhiên, theo ông Nam, sau tháng 5-2009, thẩm quyền trên được chuyển giao cho lực lượng mới là thanh tra xây dựng, chưa có người và chuyên môn sâu về hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị. Từ đó, chất lượng cầu đường dần xuống cấp, hư hỏng thường xuyên diễn ra.

Thứ trưởng thường trực Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức chia sẻ: “Chất lượng các công trình ngầm như hầm để xe dưới các tòa cao ốc, hầm ngầm để xe riêng biệt hoặc hệ thống metro đi ngầm… sẽ do thanh tra xây dựng hay thanh tra GTVT chịu trách nhiệm? Những vấn đề mới mẻ này cần được “phân xử” trong Luật Thanh tra (sửa đổi, bổ sung) sẽ được Quốc hội thông qua trong thời gian tới”.

Thanh tra giao thông phải “nuôi cơm” người vi phạm ảnh 1

Thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm chất lượng và an toàn trật tự của các công trình cần được Thanh tra GTVT tiến hành thường xuyên. Trong ảnh: Thanh tra  Sở GTVT TP.HCM tháo dỡ một hàng rào vi phạm an toàn trên đường phố. Ảnh: LĐ

Sắm đò thì phải mua phao

Theo ông Phạm Khương, Ban Thanh tra đường thủy nội địa phía Nam, mở các bến đò ngang sông đang là ngành dịch vụ hấp dẫn, thu được lợi nhuận nhanh và cao. Tuy nhiên, tại nhiều điểm ở khu vực miền Tây đã xuất hiện tình trạng nở rộ các bến khách ngang sông tự phát. Ngoài việc lực lượng thanh tra giao thông đường thủy nội địa thiếu (32 người phụ trách gần 32.000 km đường thủy nội địa) thì sự không thống nhất, phân định rạch ròi về quản lý, cấp phép, kiểm tra, xử lý vi phạm giữa bến phà với bến khách ngang sông là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên.

Cũng theo ông Khương, trong sự phát triển trên Nhà nước lại đi bao cấp luôn công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, như cấp hoặc hỗ trợ phao cứu sinh cho các bến, đò là chưa phù hợp. “Anh đã sắm được đò, mở được bến để làm dịch vụ thu lợi thì phải mua luôn phao cho người qua sông chứ!” - ông Khương nói.

Ông Khương nêu ra vấn đề hiện nay các cơ quan quản lý vẫn chưa kiểm soát được tình trạng ghe, tàu lớn lưu thông trên các sông, kênh, rạch nhỏ. Ví dụ, cấp sông, kênh chỉ cho phép ghe, tàu dưới 1.000 tấn lưu thông nhưng thực tế ghe, tàu 1.500-2.000 tấn vẫn lưu thông. “Nhiều trường hợp người lái học thấp, kiến thức pháp luật giao thông yếu, kinh tế khó khăn nên trong thời gian tạm giữ phương tiện, thanh tra giao thông phải “nuôi cơm” họ nhiều ngày và truyền đạt cho họ biết chứng chỉ chuyên môn là không phù hợp với loại ghe, tàu” - ông Khương cho biết.

Thanh tra giao thông có quyền kiểm tra bến và xe ôm?

Theo ông Nguyễn Xuân Hào, Chánh Thanh tra Bộ GTVT, đầu tháng 5 tới thông tư quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra đường bộ (theo Thông tư 08/2010/TT-BGTVT) sẽ có hiệu lực thi hành. Theo đó, Thanh tra GTVT có quyền thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính tại các bến, bãi đậu xe và dừng phương tiện đang lưu thông có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải. Vậy Thanh tra GTVT  có quyền kiểm tra, xử lý đối với các bến, xe ôm và người lái xe ôm không?

“Xe ôm tập trung ở các điểm có quy mô như thế nào (bến xe, nhà ga hay đầu đường, khu phố…) thì cần đến sự kiểm tra, xử lý của Thanh tra GTVT? Xe ôm chở quá ba người thì Thanh tra có được phép dừng xe hay không?... Đó là những vấn đề đã được Bộ GTVT và các vụ chuyên môn như Vụ Pháp chế, Vụ An toàn giao thông nghiên cứu để xác định thẩm quyền thuộc về lực lượng nào trong thời gian tới” - ông Hào cho biết.

LƯU ĐỨC - HOÀNG LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm