Thanh Hóa: Mưa lũ làm 15 người chết, mất tích

Ngày 4-8, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai (gọi tắt là ban chỉ đạo) họp chỉ đạo về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão số 3.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó ban chỉ đạo, chỉ đạo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu thêm một đoàn công tác vào Thanh Hóa để phối hợp hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ tại hai huyện Quan Sơn, Mường Lát.

Khẩn trương tìm kiếm người mất tích

Ban chỉ đạo yêu cầu đoàn công tác phối hợp với địa phương tập trung cứu trợ, cung cấp điện sinh hoạt cho dân các bản bị chia cắt. Các cơ quan liên quan khẩn trương tìm kiếm người mất tích; tiếp cận hỗ trợ, cứu trợ cho các khu vực bị chia cắt, cô lập...

Các cơ quan liên quan kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở.

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã vào Quan Sơn trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm, khắc phục hậu quả lũ.

Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cũng có mặt tại tâm lũ huyện Quan Sơn chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương tìm kiếm người mất tích.

Được biết Bộ Quốc phòng cũng chỉ đạo và Quân khu 4 đã huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Trước đó, trong hai ngày 2 và 3-8, hoàn lưu của bão số 3 gây mưa lớn tại hai huyện Quan Sơn và Mường Lát (Thanh Hóa) làm nhiều người chết và mất tích, nhiều tuyến đường bị sạt lở, nhiều bản làng bị cô lập, chia cắt.

Công an bắc cầu tạm vào giúp dân ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa. Ảnh: ĐT

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp vào hiện trường thăm hỏi lực lượng cứu hộ. Ảnh: CTV

Bản Sa Ná tan hoang sau lũ và nỗi đau của người dân. Ảnh: ĐT

Lũ phá tan hoang, 12 người còn mất tích

Chiều 4-8, tại khu vực biên giới bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn), sông Luồng vẫn cuộn đỏ. Nơi đây có 20 căn nhà bị cuốn trôi, vẫn còn 12 người mất tích.

Toàn bản Sa Ná có 75 hộ dân với khoảng 300 người đang sinh sống. Trong đêm 2 và rạng sáng 3-8, nhiều người dân đang còn ngủ thì lũ bất ngờ ập về, cuốn theo tài sản, nhà cửa cùng nhiều người dân.

Trong ngày 3-8, hàng trăm người được huy động tìm cách tiếp cận bản Sa Ná đang bị cô lập và tìm kiếm người mất tích. Phải đến trưa 4-8, lực lượng cứu hộ gồm bộ đội biên phòng, quân y, chính quyền, cảnh sát mới tiếp cận được với bản Sa Ná, đồng thời huy động thêm lực lượng để tìm kiếm người mất tích và giúp dân sơ tán, di dời tài sản từ khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Lực lượng cứu hộ đã dùng canô đưa người bị thương vượt sông Luồng đến bệnh viện.

Trưởng bản Sa Ná, ông Nguyễn Xuân Phương, kể: Khoảng 6 giờ sáng 3-8, nước từ thượng nguồn đổ xuống bất ngờ khiến người dân không kịp trở tay. Tại thời điểm đó có 20 căn nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 15 người bị lũ cuốn trôi, trong đó năm người được các lực lượng cứu hộ kịp thời nhưng đều bị thương.

Hiện cả ngàn người (bộ đội, công an, người dân) chia thành nhiều nhánh, tổ phối hợp tìm kiếm người mất tích dọc hai bên sông Luồng nhưng địa hình nhiều nơi bị chia cắt, việc tìm kiếm khó khăn.

Hiện 12 người mất tích ở bản Sa Ná và bản Mùa Xuân (xã Sơn Thủy) vẫn chưa được tìm thấy.

Tại huyện Mường Lát, mưa lũ chia cắt nhiều bản làng, hai người chết, một người còn đang mất tích.

Sáng 4-8, người dân cũng đã tìm thấy thi thể anh Thao Văn Súa, Trưởng Công an xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát. Anh Súa đang trên đường vào bản Pá Hộc giúp dân chống lũ thì bất ngờ một khối lượng lớn đất đá đổ ập xuống đè lên người khiến anh tử vong.

Ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả, tìm kiếm người mất tích.

Đê biển ở Cà Mau có nguy cơ vỡ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng của gió mùa tây nam, trong đêm 4 và ngày 5-8, trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực giữa và nam biển Đông có mưa rào, dông, lốc; gió tây nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Sóng biển cao 2-4 m, biển động mạnh.

Trong những ngày qua, ảnh hưởng của gió mùa tây nam gây mưa lớn, kết hợp triều cường, sóng cao đã làm sạt lở khoảng 300 m đê biển Tây (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) gây nguy cơ vỡ đê.

Cà Mau đã huy động lực lượng cứu hộ, cứu nạn đến hiện trường gia cố mặt đê. Gió mùa cộng mưa to làm sập, ngập, hư hỏng hàng chục căn nhà ở huyện Trần Văn Thời, U Minh.

Thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai cũng đã cử đoàn công tác vào xử lý đê biển Tây ở Cà Mau.

Lũ trên sông Thao, sông Mã, sông Bưởi

Sáng nay (5-8), lũ trên sông Thao tại Yên Bái, sông Mã và sông Bưởi (Thanh Hóa) sẽ đạt đỉnh, dưới mức báo động 2. Nguy cơ cao tiếp tục xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng thuộc nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy