Thắng kiện đòi bảo hiểm nhân thọ của chồng quá cố

TAND quận 1 (TP.HCM) vừa xử sơ thẩm, tuyên buộc Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (gọi tắt là Prudential) phải thanh toán cho bà V., ngụ quận Gò Vấp hơn 170 triệu đồng tiền bảo hiểm mà chồng bà được hưởng sau khi qua đời theo hợp đồng. Sau phiên xử, Prudential đã kháng cáo, cho rằng đúng ra tòa phải hủy hợp đồng vì lúc mua bảo hiểm, bà V. và chồng (ông T.) chưa phải là vợ chồng hợp pháp...

Cái chết bất ngờ

Theo đơn kiện của bà V., ngày 5-10-2006, bà làm hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ của Prudential cho ông T. với tổng số tiền hơn sáu triệu đồng, đóng làm hai đợt. Khi mua bảo hiểm, bà và ông T. chưa phải là vợ chồng hợp pháp nhưng 20 ngày sau họ đã đăng ký kết hôn tại chính quyền địa phương.

Hơn hai tháng sau, ngày 14-12-2006, ông T. về quê và bất ngờ qua đời tại Trung tâm Y tế huyện Tây Sơn (Bình Định) do bị ung thư gan. Sau cái chết của chồng, bà V. nộp giấy tờ yêu cầu và Prudential đã lập hồ sơ để giải quyết quyền lợi bảo hiểm theo hợp đồng đã ký kết.

Tuy nhiên, đã hơn hai năm trôi qua, bà nhiều lần hối thúc nhưng Prudential vẫn khất lần với lý do: “Đang thu thập thêm thông tin từ các cơ quan chức năng”. Vì thế, bà V. đã khởi kiện yêu cầu Prudential phải chi trả cho bà 150 triệu đồng theo hợp đồng bảo hiểm đã ký và tiền lãi của số tiền này từ khi bà cung cấp hồ sơ cho Prudential đến thời điểm hiện tại.

Ngược lại, Prudential cho rằng nguyên nhân cái chết của ông T. chưa rõ ràng, cần phải có thời gian tìm hiểu thêm thông tin về tình trạng sức khỏe. Cụ thể, bệnh án của Trung tâm Y tế huyện Tây Sơn ghi trước khi về quê, ông T. đã được chẩn đoán và điều trị bệnh gan ở Trung tâm Hòa Hảo và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Vì thế, công ty phải tìm hiểu thông tin ở hai nơi này xem có việc vợ chồng bà V. biết có bệnh nên mới đến mua bảo hiểm hay không.

Ngoài ra, khi bà V. gửi hồ sơ về cái chết của ông T. thì công ty phát hiện tại thời điểm ký hợp đồng bảo hiểm, bà chưa phải là vợ của ông T. Theo Prudential, điều này chứng tỏ bà V. gian dối vì trong hợp đồng loại bảo hiểm này, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã quy định người mua bảo hiểm phải là vợ hoặc chồng của người được bảo hiểm. Prudential cho rằng hợp đồng bảo hiểm trên là vô hiệu vì sự lừa dối đó và chỉ đồng ý trả lại cho bà V. hơn sáu triệu đồng đã bỏ ra lúc mua bảo hiểm.

Nhân viên có lỗi, công ty phải chi trả

Tại phiên xử sơ thẩm, hai bên đương sự vẫn giữ nguyên quan điểm. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là nhân viên của đại lý bảo hiểm Prudential (người trực tiếp tư vấn và bán bảo hiểm cho bà V.) có đơn xin vắng mặt. Tại biên bản lời khai được công bố tại tòa, người này cho biết lúc mua bảo hiểm, bà V. cũng nói rõ là mình “sắp có hôn thú”.

Tòa nhận định lý do cần thu thập chứng cứ để Prudential chần chừ không giải quyết bảo hiểm cho bà V. là không có cơ sở chấp nhận. Bởi lẽ sau khi TAND quận 1 yêu cầu thì cả Trung tâm Hòa Hảo lẫn Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đều có văn bản trả lời là không tìm thấy dữ liệu chứng minh ông T. đã khám, điều trị bệnh gan tại hai nơi này.

Về hợp đồng bảo hiểm, tòa cho rằng khi ký kết, nhân viên đại lý của Prudential biết rõ bà V. chưa phải là vợ hợp pháp của ông T. nhưng vẫn làm hợp đồng là lỗi thuộc về nhân viên bảo hiểm chứ không phải của bà V. Thực tế thì 20 ngày sau khi mua bảo hiểm, bà V. và ông T. đã làm đăng ký kết hôn nên khi sự kiện bảo hiểm xảy ra (tức ông T. chết), bà V. đã thuộc đối tượng của hợp đồng bảo hiểm như đã ký kết.

Mặt khác theo tòa, hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng dân sự theo mẫu. Mà theo Bộ luật Dân sự, nếu trong hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó. Vì thế, lỗi ban đầu thuộc về nhân viên của Prudential chứ không phải do bà V. gian dối như công ty trình bày.

Về phần lãi suất, tòa đồng ý một phần yêu cầu của bà V., buộc Prudential phải trả tiền lãi cho số tiền trên tính từ khi bà nộp đủ hồ sơ là 30 tháng 10 ngày. Tính theo lãi suất cơ bản tại thời điểm hiện tại, Prudential phải trả cho bà V. hơn 26 triệu đồng. Tổng cộng các khoản, Prudential phải trả cho bà V. hơn 170 triệu đồng. Ngoài ra, Prudential còn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là hơn tám triệu đồng.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm