Tháng 12 sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh cấp cao của Đảng

Thông tin này được Phó Chánh Văn phòng Trung ương Lê Quang Vĩnh xác nhận tại buổi họp báo giới thiệu kết quả Hội nghị Trung ương 8 vừa bế mạc chiều nay 6-10.

Giải thích thêm với Pháp Luật TP.HCM, ông Vĩnh cho biết theo Điều lệ Đảng, Bộ Chính trị có thẩm quyền triệu tập hội nghị trung ương. Trường hợp này, có thay đổi so với chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, nên từ trước ngày diễn ra Hội nghị Trung ương 8, Bộ Chính trị đã có văn bản báo cáo là sẽ không lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Trung ương bầu tại hội nghị lần này nữa, mà chuyển sang Hội nghị Trung ương 9.

Ba nguồn tin là ủy viên Trung ương giải thích thêm, lý do điều chỉnh là Trung ương cần nhiều nguồn thông tin trước khi có quyết định lấy phiếu tín nhiệm các chức danh cấp cao của Đảng, bao gồm cả kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.

“Nếu làm theo kế hoạch cũ thì thành ra Trung ương lấy phiếu tín nhiệm các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước khi Quốc hội làm thủ tục cùng tên tại kỳ họp tháng 10 này. Vậy thì điều chỉnh để phía Đảng lấy phiếu tín nhiệm lùi lại sẽ hợp lý hơn. Ngoài ra, việc này ít nhiều cũng có ý nghĩa với công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII, mà khả năng cũng là nằm trong chương trình nghị sự của Trung ương 9”, một nguồn tin lý giải.

Một nguồn tin cũng cho biết các tỉnh, thành ủy cũng sẽ có những chỉ đạo điều chỉnh để việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt trong cấp ủy địa phương sẽ diễn ra sau khi hội đồng nhân dân đánh giá tín nhiệm các chức danh do hội đồng bầu, phê chuẩn.

Lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước là nét mới trong vận hành nền chính trị. Được đưa vào luật của Quốc hội và Nghị quyết của Trung ương Đảng từ nhiệm kỳ trước, phương pháp đánh giá tín nhiệm này đã tạo áp lực không nhỏ tới các chức danh cao cấp của Đảng do Trung ương bầu và các chức danh Nhà nước do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Trong số các chức danh này, có những người được lấy tín nhiệm qua cả hai kênh.

Thông thường, mỗi năm Ban Chấp hành Trung ương họp hai lần, liền trước hai kỳ họp Quốc hội. Đến năm thứ năm của nhiệm kỳ, Trung ương mới họp nhiều hơn, chủ yếu để gắn với công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng. Vậy nên, mới năm thứ ba mà Trung ương khóa XII đã điểu chỉnh để họp ba cuộc trong năm, là một điểm đáng chú ý. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm