GÓP Ý BỘ LUẬT HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI)

Tham ô thoát, nhận hối lộ vẫn dính án tử?

Tại phiên làm việc sáng qua (14-9) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) về dự án Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi, nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau tiếp tục gây tranh cãi. Nổi lên là các nội dung đề xuất bỏ tử hình đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ và vấn đề “định tính, định lượng” ngay trong luật để định khung hình phạt…

Giữ tử hình đối với tội nhận hối lộ

Liên quan đến việc bỏ hay không bỏ tử hình đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ, dự thảo BLHS (điểm c khoản 3 Điều 39) lần này đưa ra hai phương án: Phương án 1, không tử hình (chuyển sang tù chung thân) nếu người bị kết án tử hình về tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ chủ động khắc phục hậu quả gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Phương án 2, không quy định trường hợp này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng: Không nên bỏ hình phạt tử hình đối với “tội nhận hối lộ” như đề xuất của Thường trực Ủy ban Tư pháp. Ông Cường cho rằng tội nhận hối lộ rất nghiêm trọng, vì đó là hành vi chủ động để tham nhũng, cần phải trừng trị nghiêm minh. “Còn tội tham ô, theo tôi thì nên bỏ hình phạt tử hình vì tham ô có rất nhiều hình thức, có trường hợp lợi dụng sơ hở trong quản lý nhà nước để tham ô, chứ bản chất không phải chủ động tham nhũng” - ông Cường nói.

Về nội dung này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc QH Ksor Phước chia sẻ: “Quan điểm của tôi đối với án tử hình thì nên giảm, bởi vì chúng ta xây dựng xã hội văn minh nhà nước pháp quyền mà tội phạm là vấn đề con người cho nên không phải cứ lấy cái chết để xử lý mới thể hiện được tính quyết liệt. Có thể tôi không xử lý bằng cái chết mà xử bằng các mức án khác vẫn có tính răn đe, quyết liệt. Vì vậy án tử hình càng giảm nhiều càng tốt nhưng đối với chung thân thì phải hết sức nghiêm khắc, chặt chẽ”.

Đồng tình với tinh thần phải giảm bớt hình phạt tử hình, tuy nhiên Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng vẫn cho rằng vẫn nên giữ tử hình đối với tội nhận hối lộ và chỉ bỏ tử hình đối với tội tham ô. “Như anh Cường, Bộ trưởng Tư pháp, đã nêu chỉ giữ lại tội nhận hối lộ vẫn còn tử hình. Tôi đồng ý với chỗ này. Tuy nhiên, cần phải quy định rõ nhận hối lộ mức nào đó mới tử hình chứ không phải cứ nhận hối lộ là tử hình” - Chủ tịch QH nói.

Một số ý kiến tại Ủy ban Thường vụ QH cho rằng nên bỏ án tử hình đối với tội tham ô. Trong ảnh: Phiên tòa xử vụ án Vinalines, bị cáo Dương Chí Dũng bị tử hình vì tội tham ô. Ảnh: BM

Cần định lượng ngay trong luật

Về nội dung này, ông Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, cho rằng: “Cái khó nhất hiện nay trong áp dụng pháp luật hình sự là phân định trách nhiệm hình sự và trách nhiệm hành chính. Bao nhiêu thì xử lý hình sự, bao nhiêu là xử lý hành chính. Định tính là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng nhưng số lượng đặc biệt lớn, rất lớn nó là như thế nào. Hiện nay BLHS chưa cụ thể được”. Theo ông Phàn, hiện trong BLHS có tới 246 điều quy định về định tính như thế nhưng mới cụ thể được 60 điều, còn 186 điều chưa cụ thể được. Và do liên quan đến quyền con người nên Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay không cho phép thông tư hướng dẫn thi hành. Điều này gây khó khăn cho việc áp dụng luật.

Cùng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng đây là khó khăn, vướng mắc nhất trong quá trình thi hành BLHS hiện hành và nếu không giải quyết thì BLHS sửa đổi tới đây cũng gặp những ách tắc tương tự. Theo ông Lý, đó chính là vấn đề định lượng để xác định mức độ “lớn, rất lớn, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” trong các điều luật. “Thay vì định lượng các dấu hiệu tội phạm nghiêm trọng ở mức độ nào thì luật hiện hành lại quy định ngược lại là nghiêm trọng là từ 10 đến 15 năm… Như vậy chúng ta lại lấy “nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng” làm dấu hiệu để định ra hình phạt mà lẽ ra phải từ dấu hiệu nào mới là “nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng” như 1 g, 5 g hay 10 g” - ông Lý nói. Ông nhấn mạnh: “Định lượng đó lại không được quy định trong bộ luật này mà thực tế đang giao cho các cơ quan tố tụng. Hiện nay, các cơ quan tố tụng đang thỏa thuận với nhau hướng dẫn vấn đề này”. Theo ông Lý, hiện các cơ quan tố tụng trong cả nước rất phản đối việc này vì đã có nhiều thông tư, công văn hướng dẫn trái ngược, mâu thuẫn với nhau. “Tôi không hiểu tại sao thực tế các cơ quan tố tụng đang hướng dẫn vấn đề này mà không chịu tổng kết để đưa vào bộ luật?”. Ông Lý đặt câu hỏi như thế, đồng thời đề nghị trong thời gian từ nay cho đến khi bộ luật được thông qua phải giải quyết được vấn đề này vì nó liên quan trực tiếp đến quyền con người được quy định trong Hiến pháp.

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cũng cho rằng cần cụ thể hóa các dấu hiệu định tính, định lượng trong luật vì đây là dấu hiệu định khung hình phạt, nếu không xác định được các dấu hiệu này thì không xác định được khung hình phạt. “Đề nghị làm rõ nội dung này để thẩm phán có thể áp dụng được. Nếu không khi thông qua bộ luật này thì cũng không áp dụng được, vì hiện nay thông tư, nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tối cao cũng không được hướng dẫn về vấn đề này nữa” - ông Sơn nói.

Bổ sung tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và nhiều tội khác

 “Đa số ý kiến tán thành với việc bổ sung 38 tội danh mới vào dự thảo BLHS (sửa đổi) lần này để đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đã thông tin như thế tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH sáng 14-9, khi trình bày báo cáo về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án BLHS (sửa đổi).

38 tội danh mới này thuộc bảy lĩnh vực gồm nhiều hành vi vi phạm có tính chất phổ biến, đặc thù và có tính nguy hiểm ngày càng cao, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người và các lĩnh vực khác như môi trường, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, viễn thông, các tội phạm về ma túy, xâm phạm hoạt động quân sự... Trong đó có một số tội như tội khiêu dâm trẻ em; tội mua bán, chiếm đoạt mô, tạng, các bộ phận cơ thể người; tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân; tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán…

Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng các tội mới được bổ sung phải trên cơ sở đánh giá đầy đủ về khách thể cần bảo vệ cũng như đặc thù của hành vi nguy hiểm cho xã hội. Đồng thời qua chỉnh lý bước đầu cho thấy một số tội danh mới được bổ sung nhưng hành vi khách quan không có tính chất đặc thù, đối tượng xâm hại trùng lặp, do vậy chỉ cần sửa đổi cấu thành tội danh hiện có. Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát toàn bộ số tội danh mới bổ sung để chỉnh lý phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm