Tham nhũng trong các dự án đầu tư hạ tầng đang là thách thức

Ngày 3-12, Hội nghị Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã khai mạc tại Hà Nội. Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 6-12.

Ông Trần Ngọc Liêm nói tham nhũng từ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nguy cơ mà các quốc gia trong khu vực này phải đối mặt. Ảnh: TTCP

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm,  cho rằng xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng luôn được coi là xương sống cho tăng trưởng kinh tế và là động lực cho sự phát triển xã hội, tạo nền tảng quan trọng để nhà nước cung cấp các dịch vụ công cơ bản đến với người dân.

Tuy nhiên, nguy cơ tham nhũng lớn trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cũng hiện hữu từ đây.

"Đây là một thách thức lớn mà nhiều quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt" - ông Liêm nói.

Hội nghị lần này được kỳ vọng là cơ hội để các bên liên quan cùng chia sẻ các góc nhìn của doanh nghiệp về thực trạng tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng.

Trong bốn ngày diễn ra hội nghị, các bên sẽ bàn về nguyên nhân, những nỗ lực tuân thủ, những khó khăn, thách thức và những bài học kinh nghiệm thực tiễn, từ đó tìm ra những giải pháp đồng bộ và toàn diện để tăng cường tính liêm chính trong các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và trong hoạt động kinh doanh nói chung.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cũng kỳ vọng các bên liên quan sẽ thống nhất về các giải pháp, khuyến nghị nhằm phòng, chống tham nhũng hiệu quả trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực. 

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, đại diện cộng đồng kinh doanh Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): "Liêm chính là trái tim của cộng đồng kinh doanh, liêm chính là kinh doanh ngay thẳng, trong sạch hay nói cách khác là tuân thủ các nguyên tắc chung. Liêm chính phát triển bền vững chính là giấy thông hành của các doanh nghiệp Việt Nam bước ra thế giới, doanh nghiệp khổng lồ nếu không liêm chính thì cũng biến mất".

Chủ tịch VCCI cũng khẳng định trước khi nói đến lợi nhuận, hợp tác… thì cộng đồng kinh doanh phải nói đến liêm chính. Nhưng một cộng đồng liêm chính chỉ có thể làm ăn đàng hoàng khi có một chính phủ liêm chính.

Theo khảo sát gần đây của VCCI đối với các doanh nghiệp cho thấy tình trạng bôi trơn đã giảm. Nhưng tới đây, “văn hóa bôi trơn” cần phải được bãi bỏ cùng với việc xây dựng một hệ thống pháp luật minh bạch.

Đơn cử như việc 20 điểm chồng chéo, tạo điểm nghẽn phát triển giữa các luật đầu tư, xây dựng, đất đai… cần phải được xử lý theo cách “dùng một luật sửa nhiều luật”.

Theo ông Lộc, những chồng chéo, xung đột trong hệ thống pháp luật là “mảnh đất màu mỡ” cho tham nhũng và tham nhũng vặt.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng với nền tảng là Liên minh Liêm chính đã được thành lập ở Việt Nam, thì trong năm tới liên minh này sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động và kết nạp thành viên là các hiệp hội doanh nghiệp.

Trong bối cảnh, năm 2020 Việt Nam sẽ là chủ tịch ASEAN, vậy chúng ta đã nói đến ASEAN 4.0, ASEAN hội nhập thì chắc phải có cả ASEAN liêm chính. Tôi cho rằng với những nỗ lực ấy, thì liêm chính trong kinh doanh Việt Nam vẫn có thể dẫn đầu khu vực… - ông Lộc nói.

Ông Phùng Mạnh Trường, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (Bộ KH&CN) đã giới thiệu về tiêu chuẩn TCVN ISO 37001 với mục tiêu quản lý chống hối lộ. Theo ông Trường, thay vì sử dụng các công cụ pháp lý để ngăn chặn tình trạng tham nhũng và hối lộ, có thể sử dụng biện pháp mang tính tự nguyện.

“Chúng ta có thể tiếp cận vấn đề phòng chống tham nhũng từ khía cạnh tiêu chuẩn. Nhắc tới tiêu chuẩn là nhắc tới sự tự nguyện, giúp chúng ta thu hút nhiều đối tượng, tổ chức tham gia hơn và để họ áp dụng chính tiêu chuẩn đó vào tổ chức, hệ thống vận hành của mình" - ông Trường nói.

Hệ tiêu chuẩn ISO 37001 không chỉ cho phép các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công, mà hộ gia đình cũng có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Từ đây, có thể nhìn nhận hoạt động chống tham nhũng, hối lộ như một hoạt động quản trị của doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm