Tham mưu trưởng Cảnh sát biển VN: “Chúng tôi đã hết sức kiên trì và kiềm chế”

Tại buổi họp báo quốc tế chiều 7-5, dưới sự điều hành của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu và Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Đỗ Văn Hậu đã trả lời các câu hỏi của phóng viên trong và ngoài nước.

“Mọi sự chịu đựng có giới hạn”

. AP (Hoa Kỳ)Các ông có thể khẳng định hiện tại vẫn chưa có người chết trong các hoạt động vừa rồi? Các clip chiếu cho thấy tàu Trung Quốc (TQ) chủ động đâm vào tàu Việt Nam. Liệu tàu Việt Nam có đâm vào tàu TQ để bảo vệ tàu thuyền của mình hay các hoạt động này chỉ có tàu TQ tiến hành?

+ Ông Ngô Ngọc Thu: Mặc dù tình hình thực địa những ngày qua căng thẳng, TQ chủ động tiến hành đâm va vào tàu Việt Nam; sử dụng trang bị trên tàu để phun nước vào tàu Việt Nam nhưng đến giờ phút này tôi khẳng định chưa có người nào bị chết trên biển. Có sáu kiểm ngư viên Việt Nam bị mảnh kính văng vào gây thương tích phần mềm.

Các clip chiếu cũng cho thấy các tàu bảo vệ của TQ chủ động đâm va vào các tàu Việt Nam, gây hư hỏng, ảnh hưởng đến trang thiết bị tàu của Việt Nam nhưng lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư chúng tôi đã hết sức kiên trì kiềm chế. Nhưng mọi sự chịu đựng có giới hạn. Nếu tiếp tục đâm vào chúng tôi, chúng tôi cũng sẽ có tự vệ tương tự để đáp lại.

. NHK (Nhật Bản): Hiện nay phía TQ đã thực sự khoan thăm dò dưới đáy biển của Việt Nam hay chưa? Nếu như TQ không chịu rút giàn khoan ra khỏi Việt Nam thì Việt Nam sẽ có hành động gì tiếp theo?

+ Ông Ngô Ngọc Thu: Cho đến thời điểm này, giàn khoan 981 đã được định vị ở các vị trí đã xác định trên bản đồ. Sau định vị, giàn khoan đang tiến hành tác nghiệp chuẩn bị để tiến tới khoan thăm dò.

+ Ông Trần Duy Hải: Việt Nam chủ trương thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp liên quan ở biển Đông. Và chúng tôi sẽ sử dụng tất cả biện pháp hòa bình được quy định bởi luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ) để bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam.

 
Tàu TQ đâm lủng mạn tàu VN. Ảnh: Cảnh sát biển VN cung cấp

. AFP (Pháp): TQ cho rằng sáng nay các lực lượng vũ trang Việt Nam có khống chế một số ngư dân TQ trong khu vực đó. Xin cho biết chi tiết có hay không?

+ Ông Ngô Ngọc Thu: Tôi xin khẳng định hiện nay các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam không hề bắt giữ, khống chế các đối tượng của TQ trên biển.

. Hãng thông tấn Đức: Việt Nam có thể tiến hành các thủ tục kiện TQ lên tòa án quốc tế, như Philippines đã làm hay không?

+ Ông Trần Duy Hải: Việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại các cơ quan tài phán quốc tế là một biện pháp hòa bình được quy định trong Hiến chương LHQ cũng như luật pháp quốc tế. Tất cả biện pháp hòa bình đều có thể được sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là thông qua các biện pháp hòa bình, trong đó ưu tiên đàm phán thương lượng giải quyết các vấn đề tranh chấp với các nước láng giềng. Tuy nhiên, chúng tôi không thể loại trừ một biện pháp nào cả.

Sẽ đưa việc này ra Hội nghị cấp cao ASEAN

. Tuổi Trẻ: Đây có phải là lần đầu tiên TQ đưa toàn bộ giàn khoan vào hoạt động tại thềm lục địa Việt Nam? Phía Việt Nam sẽ có những biện pháp gì để ngăn chặn TQ lặp lại các hoạt động trong tương lai?

+ Ông Trần Duy Hải: Trước đây TQ cũng đã nhiều lần tiến hành thăm dò ở khu vực này. Chúng ta đã kiên quyết đấu tranh và TQ cũng đã rút khỏi. TQ cũng từng thuê giàn khoan của các nhà thầu nước ngoài để dự tính khoan thăm dò trên thềm lục địa của Việt Nam nhưng chúng ta đã đấu tranh quyết liệt, kể cả với nhà thầu cho nên TQ chưa khoan được. Còn lần này là lần đầu tiên TQ sử dụng tàu của chính họ để khoan thăm dò trên các thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Như tôi đã khẳng định nhiều lần, chúng ta sẽ phải tiếp tục đấu tranh bằng mọi biện pháp để mà bảo vệ các quyền và lợi ích của chúng ta ở biển Đông với một chủ trương nhất quán. Chúng ta sẽ sử dụng biện pháp hòa bình, trong đó trước hết ưu tiên là đàm phán thương lượng với các nước liên quan.

. VnExpress: Khi mà TQ đưa giàn khoan này vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ta có bất ngờ không? Ta đang kiên trì đàm phán hòa bình nhưng nếu TQ không rút giàn khoan, ta sẽ hành động tiếp theo thế nào?

+ Ông Ngô Ngọc Thu: Trước hết tôi xin khẳng định là đến nay, lực lượng hảiquân Việt Nam chưa tham gia, chưa có mặt tại khu vực có giàn khoan 981. Còn việc di chuyển của giàn khoan 981 thì chúng tôi đã theo dõi và nắm bắt rất là chặt. Nhưng theo UNCLOS 1982 thì các tàu thuyền, phương tiện nổi được quyền di chuyển bình thường trên các vùng đặc quyền kinh tế. Chỉ khi nào những giàn khoan này hạ đặt, tiến hành khoan thăm dò thì lúc đó mới vi phạm pháp luật của nước có chủ quyền và quyền chủ quyền.

Việc TQ hạ đặt giàn khoan trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chúng ta kiên quyết đấu tranh, sử dụng mọi biện pháp trên cơ sở đảm bảo hòa bình ổn định ở khu vực, đảm bảo an ninh an toàn hàng hải ở biển Đông, đảm bảo cho mục tiêu của chúng ta và các nước mong muốn.

. Lao Động: Động thái TQ cho đến nay đã bị cộng đồng quốc tế lên án. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ gọi đây là hành động “khiêu khích” và “gây hấn”. Vậy tại Hội nghị cấp cao ASEAN tới đây, chúng ta có thúc đẩy, đưa vụ việc nghiêm trọng này ra thảo luận?

+ Ông Trần Duy Hải: Vấn đề chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng với các dân tộc, Việt Nam cũng vậy. Nên chúng ta sẽ sử dụng tất cả biện pháp được quy định bởi Hiến chương LHQ để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của mình. 

Chúng tôi đã nói vấn đề này rất nhạy cảm, rất nguy hiểm, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải tại biển Đông. Tại các diễn đàn ASEAN luôn trao đổi về vấn đề biển Đông. Nên chắc chắn vấn đề này sẽ được trao đổi tại các hội nghị của diễn đàn sắp tới.

. Thanh Niên: Trong cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Ủy viên Quốc vụ viện TQ Dương Khiết Trì đã trả lời thế nào với khẳng định chủ quyền và yêu cầu TQ rút giàn khoan khỏi vùng biển của chúng ta ?

+ Ông Trần Duy Hải: Trong cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, phía TQ nhắc lại lập trường TQ trên biển Đông, cho rằng khu vực giàn khoan 981 đang hoạt động thuộc quyền tài phán của TQ. Nhưng Phó Thủ tướng đã bác bỏ quan điểm của TQ và khẳng định quyền chủ quyền của chúng ta với Hoàng Sa. Phó Thủ tướng nhấn mạnh hoạt động của giàn khoan 981 xâm phạm các vùng biển của Việt Nam và Việt Nam sẽ kiên quyết phản đối.

NGHĨA NHÂN ghi

. Pháp Luật TP.HCM: Đề nghị thông tin thêm về khu vực biển, thềm lục địa mà TQ đặt giàn khoan. Tiềm năng dầu khí ở đây như thế nào? Nếu có giá trị thương mại thì khả năng khai thác được ra sao?

+ Ông Đỗ Văn Hậu: Vùng biển này nước sâu khoảng 1.000 m, trong đó chỗ TQ đặt giàn khoan khoảng 1.100 m. Chính vì vậy, TQ phải dùng giàn khoan đặc biệt, dạng nửa nổi nửa chìm. Giàn này có hai cách định vị, dùng neo xuống đáy biển hoặc các chân vịt để tự cố định. Về tiềm năng dầu khí, chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước đây đã hợp tác với một hãng dầu khí của Mỹ nghiên cứu và đến năm 1972 đã khảo sát địa chấn. Chúng ta đã tiếp quản tài liệu này và về sau Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục thực hiện một số cuộc khảo sát ở khu vực này. Nhiều nghiên cứu của chúng tôi về vùng biển này đã được công bố. Tổng quan mà nói thì tiềm năng dầu khí khu vực này chưa được đánh giá kỹ, bởi ta chưa đủ tài liệu và cũng chưa khoan. Vì sao? Đây là vùng nước sâu, ta chưa đủ khả năng thiết bị để khoan thăm dò. Phần lớn hoạt động thăm dò, khai thác của ta hiện tập trung ở những vùng biển nước nông. Nhưng chúng tôi có kế hoạch, chiến lược tiếp tục triển khai hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở các vùng biển xa hơn, kể cả khu vực thuộc lô 142, 143 mà TQ đang xâm phạm trái phép. Bạn hỏi nếu mỏ ở đây có giá trị thương mại thì có khai thác được không? Chúng tôi tin rằng thăm dò là một chuyện, còn khai thác mang lại giá trị kinh tế sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Bởi vì để khai thác được dầu khí ở một khu vực sẽ phải xây dựng rất nhiều công trình cố định, triển khai rất nhiều công việc khác như phải thăm dò thêm, xác định trữ lượng...

Những việc ấy, ở vùng biển nước sâu thì đòi hỏi một chương trình dầu khí rất lớn, đầu tư rất tốn kém và đặc biệt khó khăn. Cho nên chúng tôi không tin rằng trong tương lai gần có thể khai thác dầu khí ở khu vực này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm