Thà mất lòng với bộ ngành còn hơn về đối mặt với cử tri

Chiều 16-2, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2016 và triển khai chương trình công tác năm 2017. Đến dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng.

Thảo luận tại hội nghị, một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là tiếng nói của đại biểu Quốc hội trên báo chí khi có một vấn đề nóng được người dân quan tâm.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng về đóng góp cho các dự án luật, nhân dân chờ đợi tiếng nói của các đại biểu Quốc hội trên báo chí.

“Nhiều vấn đề dân rất bức xúc, người này nói người kia nói nhưng nhưng không thấy đại biểu Quốc hội nói về việc đó. Vừa rồi tôi thấy có hai vấn đề tham nhũng, tiêu cực về môi trường, chỉ cần có 2 đại biểu Quốc hội có ý kiến thôi, báo chí đăng tải lên, đồng bào cử tri sẽ rất phấn khởi và nó có tác động rất lớn trong xã hội và làm cho những người có trách nhiệm ở các cấp các ngành sẽ đẩy vấn đề giải quyết nhanh hơn” – ông Nghĩa nói.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: TÁ LÂM

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng đại biểu các sở ngành rất ngại trả lời trên báo chí. Trong khi người dân thì rất chờ đợi tiếng nói của các đại biểu sở ngành. Ông cũng kỳ vọng trong năm 2017 vấn đề này sẽ được thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.

Trước ý kiến của ông Trương Trọng Nghĩa, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã lên tiếng về một vụ việc liên quan đến nước mắm mà dư luận đã quan tâm trong thời gian qua.

Ông Đinh La Thăng cho biết, ông đã nói với đại biểu Nguyễn Khánh Phong Lan – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cần lên tiếng sớm về vụ việc này để người dân yên tâm. “Nhưng mà đại biểu Phong Lan cứ ngại ngùng cái gì ấy” – Bí thư Thăng nói.  

Nghe đến đây, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đã đứng lên giải trình và cho biết lúc Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu nói về vụ việc này đại biểu Phong Lan đã nói ngay: “Nếu nói với tư cách đại biểu Quốc hội thì tôi có thể nói ngay. Nhưng nói với tư cách ngành y tế thì phải theo đúng sự phân công của tổ chức. Sau đó Bộ Y tế đã phát biểu kịp thời. Tôi không ngại gì, cái gì mình nhận thức mình đúng thì phải bảo vệ. TP.HCM là nơi rất sôi nổi, không có sự cản trợ, e ngại nào cả” – đại biểu Phong Lan bộc bạch.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (bên trái). Ảnh: TÁ LÂM

“Lời thật mất lòng, nhưng thà mất lòng với bộ ngành còn hơn về đối mặt với cử tri, nhiều khi thấy rất xấu hổ vì chưa làm được hết nguyện vọng cử tri. Ngại nhất là nói mà nói bậy, nhất là đại biểu Quốc hội nói bậy thì hậu quả sẽ rất lớn. Cho nên thận trọng cũng là điều quan trọng. Nhưng phải có cơ chế làm sao để đại biểu Quốc hội có cơ hội tiếp cận thông tin, tránh trường hợp chỉ nghe báo cáo, nhiều khi chỉ toàn màu hồng, cái gì cũng tốt hết nhưng khi đi vào thực tế mới thấy những vấn đề khác” – đại biểu Phong Lan nói tiếp.

Sau khi nghe đại biểu Phong Lan nói, Luật sư Trương Trọng Nghĩa chia sẻ thêm: “Nhiều khi báo chí cứ hỏi tôi câu này câu kia, tôi nói đại biểu Quốc hội TP.HCM có tới hơn ba chục người, cả nước hơn 500 người, cứ hỏi tôi hoài. Tôi chỉ cho là nên hỏi người này người kia, nhưng họ nói là liên hệ với các vị ấy rất khó, hoặc không trả lời. Chúng tôi không hề muốn xuất hiện nhiều, bây giờ tôi cũng hướng dẫn truyền thông hỏi chỗ khác, chứ cũng không muốn xuất hiện nhiều đâu”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm