Bộ Ngoại giao Việt Nam họp báo về vụ giàn khoan HD-981

Tàu Trung Quốc ngang ngược tấn công

Tại cuộc họp, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam (VN), ông Ngô Ngọc Thu đã cập nhật các thông tin về những hành vi ngang ngược của Trung Quốc (TQ).

TQ điều 80 tàu, cả tàu chiến và máy bay

Theo đó, đã xác định được lực lượng TQ tham gia bảo vệ giàn khoan trái phép trong ngày 2 và 3-5 khoảng 40 tàu các loại.

Đến 12 giờ ngày 7-5, số tàu TQ được huy động lên tới 80 chiếc các loại, trong đó có bảy tàu quân sự gồm: Tàu hộ vệ tên lửa 534, tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh 753; 33 tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính cùng nhiều tàu vận tải, tàu cá. Ngoài ra, hằng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Trong quá trình hoạt động, một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự đã xâm nhập vào vùng biển cách đảo Lý Sơn 50-60 hải lý, xâm phạm thô bạo chủ quyền quốc gia của ta.

Khi các tàu thực thi pháp luật của VN ra kiểm tra, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của giàn khoan HD-981, các tàu bảo vệ của TQ, được sự yểm trợ của máy bay, có hành động hung hăng, chủ động đâm thẳng vào các tàu, dùng vòi rồng có công suất lớn phun nước vào các tàu của VN nhằm làm hư hỏng tàu thuyền và các trang thiết bị trên tàu, gây thương tích cho thủy thủ trên tàu.

Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình thông tin về quá trình đấu tranh ngoại giao của VN với hành động xâm phạm của TQ. Ảnh: VIẾT THỊNH

Các cuộc tấn công ngang ngược

Lúc 8 giờ 10 ngày 3-5, tại tọa độ 15031’N- 111002’E tàu hải cảnh 44044 của TQ chủ động đâm thẳng vào mạn phải tàu CSB4033 của ta, hậu quả làm cho tàu 4033 bị rách mạn phải chiều dài 3 m, rộng 1 m, làm hư hỏng máy phải và các trang thiết bị khác.

Lúc 8 giờ 30 ngày 4-5, tàu hải cảnh 44103 của TQ chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu CSB2012; do tàu 2012 đã tăng tốc vòng tránh nên vết đâm chỉ bị ở chính góc đuôi tàu mạn phải diện tích khoảng 1 m2, làm hư hỏng một số trang thiết bị khác trên tàu.

Ngoài các tàu cảnh sát biển thì các tàu TQ còn chủ động đâm va, phun nước vào hàng chục tàu kiểm ngư và các tàu thực thi pháp luật khác của VN. Hậu quả làm hư hỏng các trang thiết bị trên tàu và làm bị thương cho một số thủy thủ VN. Mới nhất, lúc 12 giờ trưa 7-5, tàu hải cảnh 3411 của TQ tiếp tục có hành động đâm vào tàu CSB8003 của ta. TQ sử dụng đồng thời máy bay số hiệu 8321 bay trên không phận tàu CSB8003 nhằm uy hiếp tàu VN.

Đáng chú ý, những tàu TQ có trang bị vũ khí thì bạt che phủ súng đều được tháo bỏ, thể hiện sự sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào. Hành động này gây nên tình trạng hết sức căng thẳng.

Về phía các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của ta, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Ngô Ngọc Thu cho biết ngay từ đầu đã trinh sát, theo dõi sát sao sự di chuyển của giàn khoan HD-981 cũng như đội tàu hộ tống. Khi các phương tiện này có dấu hiệu vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển của VN, các lực lượng của ta đã kịp thời có mặt, thực hiện quyền kiểm tra, ngăn chặn.

 
Tàu TQ dùng vòi rồng có công suất lớn phun nước vào tàu VN. Ảnh: Cảnh sát biển VN cung cấp

Quá trình đấu tranh ngoại giao của VN

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải, từ 5 giờ 22 phút ngày 1-5, cơ quan chức năng VN đã phát hiện giàn khoan HD-981 và ba tàu dịch vụ dầu khí của TQ di chuyển từ phía Tây Bắc đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN, xuống phía Nam. Khi phát hiện các phương tiện này có dấu hiệu xâm phạm vùng biển của ta, ngoài việc cảnh báo, kêu gọi trên thực địa, phía VN đã nhiều lần trao đổi qua đường ngoại giao với TQ.

Đến nay, Bộ Ngoại giao VN đã có tám cuộc giao thiệp nghiêm túc với phía TQ tại Hà Nội và Bắc Kinh. Trong số này có hai cuộc điện đàm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh với Ủy viên Quốc vụ TQ Dương Khiết Trì và của Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ về biên giới, lãnh thổ của VN Hồ Xuân Sơn với Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán chính phủ về biên giới, lãnh thổ của TQ Lưu Chấn Dân.

Tất cả các cuộc giao tiếp này, phía VN đều phản đối hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan HD-981. Đại diện Bộ Ngoại giao ta cũng đã triệu đại biện Đại sứ quán TQ tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.

Ta cũng tiến hành tiếp xúc giữa đại diện Bộ Quốc phòng VN với tùy viên quân sự Đại sứ quán TQ tại Hà Nội. Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã gửi thư cho chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí hải dương TQ (CNOOC) - đơn vị quản lý và vận hành giàn khoan HD-981.

Quan điểm sai trái của TQ

Qua các giao thiệp ngoại giao, các kênh tiếp xúc nói trên, phía VN đề nghị TQ giải quyết tranh chấp liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại biển Đông thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương LHQ và Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Tuy nhiên, cho đến nay phía TQ vẫn tiếp tục hành vi vi phạm, cho rằng “hoạt động của giàn khoan HD-981 là hoạt động dầu khí bình thường của TQ ở khu vực phía Nam đảo Trung Kiến, thuộc quần đảo Tây Sa (tức đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa của VN), không liên quan gì đến thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN. TQ cũng cho rằng đây là “khu vực thuộc vùng biển của quần đảo Tây Sa” và hoạt động lần này là hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng biển do TQ quản lý, “không có tranh chấp”. Phía VN đã hoàn toàn bác bỏ và kiên quyết không chấp nhận quan điểm sai trái này của phía TQ.

NGHĨA NHÂN

 

BỘ NGOẠI GIAO MỸ:

Quyết định vận hành giàn khoan là hành động khiêu khích

Hãng tin Reuters đưa tin ngày 6-5 (giờ địa phương), Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án TQ đưa giàn khoan HD981 vào vùng biển Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố quyết định của TQ vận hành giàn khoan tại vùng biển tranh chấp là hành động khiêu khích, không giúp ích cho công cuộc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Cùng ngày, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel xác nhận Mỹ đang xem xét kỹ lưỡng sự việc. Phát biểu với Reuters trong chuyến thăm Hong Kong, ông nói: “Chúng tôi tin rằng điều quan trọng các bên cần làm là thận trọng và kiềm chế. Kinh tế toàn cầu đang rất mỏng manh và an ninh khu vực là vô cùng quan trọng. Không thể gây nguy hiểm đến lợi ích kinh tế trong ngắn hạn”.

Đài truyền hình ABC (Mỹ) dẫn lời chuyên gia về Việt Nam Jonathan London (ĐH Hong Kong) nhận định TQ dường như muốn kiên quyết đặt dấu ấn tại vùng biển tranh chấp và thời điểm gay go đang xảy ra.

Trang tin The Malaysia online ngày 7-5 dẫn lời chuyên gia Ian Storey (Viện Nghiên cứu Đông Á ở Singapore) nhận định động thái vận hành giàn khoan của TQ trên biển Đông hiện nay rất nguy hiểm. Ông nói các đồn đoán về vấn đề TQ sử dụng giàn khoan khổng lồ tại khu vực này là có thật và đã đưa Việt Nam vào thế khó. Ông cho rằng nếu Việt Nam phản ứng gay gắt, TQ sẽ phản pháo và nguy hiểm sẽ tăng hơn nhiều lần.

DUY KHANG

Quảng Ngãi hỗ trợ hơn 30 tỉ đồng cho tàu thuyền đánh bắt vùng biển xa

Ngày 7-5, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định hỗ trợ đợt 1-2014 cho 325 tàu thuyền của ngư dân huyện Bình Sơn, Lý Sơn, TP Quảng Ngãi và huyện Đức Phổ đánh bắt hải sản vùng biển xa như Hoàng Sa, Trường Sa, Nhà dàn DK1 với tổng số tiền 31,4 tỉ đồng. Trong đó, hỗ trợ nhiên liệu: 30,7 tỉ đồng hỗ trợ mua bảo hiểm thuyền viên: 97,2 triệu đồng và mua máy liên lạc HP: 616 triệu đồng.

V.QUÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm