Tăng tuổi nghỉ hưu: Nhiều đại biểu băn khoăn

“Chính phủ phải đưa ra Quốc hội bảng phụ lục về những ngành, nghề tăng tuổi nghỉ hưu. Nếu không, Chính phủ cần chuẩn bị đầy đủ danh mục để ghi vào luật và giao cho Chính phủ ban hành…”. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, phát biểu trong phiên họp tổ ngày 29-5 về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.

Vì sao phải tăng tuổi hưu?

Theo ông Lợi, hiện nữ nghỉ hưu ở tuổi 55, nam ở tuổi 60 thì có 42% tiếp tục lao động để hưởng hai nguồn thu nhập. Bên cạnh đó, lương hưu hiện hành bình quân thấp, giáo viên chỉ hơn 1,9 triệu đồng nên Quốc hội phải bù thêm lương hưu để tiệm cận mức lương cơ sở. Khi tăng tuổi hưu, thời gian đóng BHXH dài sẽ giúp người lao động về hưu có mức lương cao hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam có cơ cấu dân số già, giống Nhật Bản hiện nay. Tức một người lao động gánh cho ba người nên luật cần chuẩn bị đi trước đón đầu. Tuy nhiên, phải tăng chậm như phương án Chính phủ đề xuất để không gây sốc cho thị trường lao động…

Đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu nhưng đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng cần phải xét vào từng đối tượng cụ thể. Bởi nhiều cán bộ, công chức không ham tăng tuổi nghỉ hưu. “Anh em toàn gửi gắm tôi phản ánh rằng đừng tăng tuổi nghỉ hưu, thậm chí còn mong nghỉ sớm” - ĐB Hòa nói.

Thực tế, theo ĐB Hòa, hiện nay nhiều sinh viên ra trường không có việc làm ổn định, nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì mất cơ hội của họ. “Mình ngồi chình ình ra đó thì làm sao các cháu có cơ hội vào làm việc. Hơn nữa, hiện nay cơ quan nhà nước đang tinh giản biên chế, việc tăng tuổi như vậy ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội của các cháu” - ĐB Đồng Tháp nêu quan điểm.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại phiên họp tổ chiều 29-5. Ảnh: TL

Tuổi thọ cao không đồng nghĩa sức khỏe cao

ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) không đồng ý với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Bà cho hay là người lao động bình thường không ai muốn tăng tuổi nghỉ hưu. “Những giải trình của Chính phủ như chuẩn bị cho quá trình già hóa dân số, lực lượng lao động, yêu cầu cân đối quỹ bảo hiểm xã hội… là chưa thuyết phục” - bà nói.

Cũng theo bà Thúy, các doanh nghiệp thường có xu hướng sa thải người lao động ở tuổi 40-45 để thay thế người trẻ hơn. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, đặc biệt lao động nữ sẽ không thể nào giữ được việc. “Chúng tôi gặp trực tiếp người lao động là giáo viên, họ không đồng ý. Tuổi cao không thể tiếp tục lao động, làm việc với các cháu nhỏ khi họ đã ở lứa tuổi làm bà, làm ông ở gia đình” - ĐB Thúy nói.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) khẳng định cần xem xét lại việc tăng tuổi hưu, không chỉ lao động trực tiếp mà lao động ngành y, giáo dục cũng phản đối việc này. “Tuổi thọ có tăng nhưng sức khỏe yếu, không so sánh được. Nước ngoài trên 70 tuổi vẫn lái xe ầm ầm nhưng mình thì bệnh tật. Tuổi thọ cao không đồng nghĩa với sức khỏe cao, phải cân nhắc lại” - ông Cương nói.

Tăng tuổi hưu thì họ có giữ chức vụ lãnh đạo không? Đây là nhu cầu của người sử dụng lao động và bản thân nhưng phải tránh được tư tưởng dìu nhau ở lại chiếm ghế người khác. Vấn đề là công khai, minh bạch chứ không nên quy định ở lại thì không làm chức vụ lãnh đạo hoặc ngược lại.

Ông BÙI SỸ LỢI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội
của Quốc hội
 

Không phải tất cả ngành, nghề đều tăng tuổi hưu

Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định những ngành nghề như hầm lò, khai khoáng, dệt may, điện tử không thể nằm trong danh sách tăng tuổi nghỉ hưu. Đối với giáo viên mầm non, ông cũng cho rằng cần phải xem xét theo hướng không tăng tuổi hưu.

“Nếu chiếu theo dự thảo, giáo viên mầm non, thậm chí là giáo viên cấp I, đến 55 tuổi mắt mờ, chân chậm, không giữ được các cháu thì nằm vào nhóm suy giảm khả năng lao động. Như vậy, đối tượng này cũng được xem xét” - ông Lợi nói.

Trong khi đó, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng phải quan tâm ba vấn đề khi tăng tuổi hưu.

Thứ nhất, không tăng với người suy giảm sức khỏe, suy giảm lao động, lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại hay những ngành rất đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm nghệ thuật, thể thao.

Thứ hai, mức tuổi cho về hưu trước có thể là 5-7 năm vì có những ngành, đến 50 tuổi là họ không thể làm việc được nữa.

Thứ ba, lộ trình làm thế nào để người lao động dễ hiểu và tránh bị hiểu nhầm.

Ngoài ra, ông cho là cần quan tâm đến thực tế ở Việt Nam là lao động dư thừa khá nhiều, nhất là lao động trẻ. “Liệu họ có làm được việc khi tuổi đã lớn? Ý tôi muốn nhấn mạnh đến điều kiện môi trường làm việc. Thực tế các chủ doanh nghiệp muốn người lao động trẻ hơn, năng suất cao hơn trong khi lương phải trả không cao. Còn với công chức, viên chức, việc tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý…” - ông Hiểu nói.

Lý do tăng tuổi nghỉ hưu

Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu căn cứ vào rất nhiều mục tiêu khác như đảm bảo bền vững quỹ BHXH dài hạn, vấn đề già hóa dân số, giảm khoảng cách về giới…

Ông cho hay: Năm 2014 Việt Nam bắt đầu bước vào già hóa dân số. Cụ thể, từ năm 2000 bình quân mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động nhưng đến nay giảm xuống còn khoảng 400.000 người. Bên cạnh đó, tốc độ già hóa dân số Việt Nam diễn ra nhanh hơn so với nhiều nước nên phải tăng có lộ trình tuổi hưu để đón đầu già hóa dân số. Tới nay tuổi thọ trung bình của Việt Nam đang là 76,6 tuổi...

Về ổn định quỹ BHXH, hiện thời gian đóng BHXH của nam và nữ nhìn chung là thấp nhưng hưởng rất cao. Mức hưởng lương hưu thông thường các nước là 45% nhưng Việt Nam bình quân 70%... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm