Tản mạn trong Nghĩa trang liệt sĩ chiều 30-4

30-4, nhân 44 năm ngày thống nhất đất nước, tôi tìm về nghĩa trang liệt sĩ (quận 9) mong thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính các chiến sĩ quên mình vì tổ quốc.

Tản mạn trong Nghĩa trang liệt sĩ chiều 30-4 ảnh 1
Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.

Chiến tranh đã qua đi. Nam Bắc đã nối liền một dải nhưng nỗi đau mất mát thì chưa nguôi. Những bia mộ trong nghĩa trang liệt sĩ như một chứng nhân lịch sử, những người nằm dưới đó, họ đã hy sinh tuổi xuân, tính mạng của mình đổi lấy bình yên cho Tổ quốc hôm nay.   

 1.“Hãy một lần tới nghĩa trang liệt sĩ”

Đây là nơi an nghỉ của hơn 14 nghìn anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Nơi này có nhiều mộ phần của các anh hùng liệt sĩ đã đi vào sử sách dân tộc, được đặt tên cho những con đường, địa danh ở TP.HCM như: Quách Thị Trang, Lý Chính Thắng, Đoàn Văn Bơ, Phan Đăng Lưu, Lê Văn Sĩ, Võ Văn Tần, Nguyễn Văn Trỗi…

Những ngôi mộ san sát, nằm lặng yên dưới những tán cây râm mát. Trên mỗi bia mộ có một lọ hoa, lư hương, đĩa, chén… Muôn loài hoa khoe sắc, mùi hoa sứ dìu dịu quyện trong khói hương bảng lảng tạo nên cảm giác trầm mặc, bình yên.  

Tản mạn trong Nghĩa trang liệt sĩ chiều 30-4 ảnh 2
Liệt sĩ Bùi Minh Thiết (Nghệ An) hi sinh khi mới 20 tuổi. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.

Trên mỗi bia mộ đều ghi rõ: Họ tên liệt sĩ, quê quán, năm sinh, ngày hi sinh, chức vụ, đơn vị công tác.

Tôi gặp phần mộ phần Liệt sĩ Nguyễn Hữu Long (Thanh Hóa). Anh là chuẩn úy đại đội phó Trung đoàn 101-Chủ lực miền Nam, hi sinh vào ngày 4-12-1972, khi mới tròn 22 tuổi. Gần đó là nơi an nghỉ của liệt sĩ Đào Công Khanh (Đồng Tháp), công tác tại Trung đoàn 251, hi sinh năm 1966, khi chỉ mới 19 xuân xanh. Cách không xa là mộ phần Liệt sĩ Bùi Minh Thiết (Thanh Chương, Nghệ An), công tác tại đại đội 15-Trung đoàn 9 F304, hi sinh năm 1972, khi 20 tuổi...

Họ ra đi khi mới chỉ 19, đôi mươi, tuổi đẹp nhất của đời người.

Và cũng có những phần mộ chỉ vẹn vẹn: “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Trên bia mộ chỉ có nơi quy tập, những thông tin khác đều rất mờ nhạt hoặc không có.

“Muốn thấm nỗi đau chiến tranh, con hãy một lần về nghĩa trang liệt sĩ”, một người lính từng kinh qua những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt chia sẻ với tôi như vậy. Người lính ấy cũng ngậm ngùi cho hay trên đất nước Việt Nam có hàng ngàn ngôi mộ vô danh như thế.

2. Lần đầu gặp ba qua... di ảnh

Trung tá Lê Minh Lê (Đội trưởng Đội tổng hợp - Công an quận 3) là con của liệt sĩ Nguyễn Minh Trí. Thắp nén hương lên phần mộ của ba, người chưa từng một lần được gặp mặt, anh lặng lẽ.

Anh kể cha hi sinh khi anh còn trong bụng mẹ. Vì chiến tranh tàn khốc, để đảm bảo an toàn, mẹ anh không dám nói mình lấy chồng là chiến sĩ cách mạng. Vượt qua cái tiếng “không chồng có con”, bà lặng lẽ tảo tần nuôi anh khôn lớn, đợi ngày thống nhất đất nước để đoàn tụ.

Tản mạn trong Nghĩa trang liệt sĩ chiều 30-4 ảnh 3
Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM là nơi an nghỉ của hơn 14.000 liệt sĩ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.

Nhưng rồi trong trận càn ngày 11-10-1967, ba anh hi sinh. Ông mất khi mới chỉ 25 tuổi. Ngày ra đời, anh Lê mang họ của mẹ, Mãi đến sau này, làm giấy tờ, mọi người mới biết anh là con của liệt sĩ Nguyễn Minh Trí, Tiểu đội trưởng cục hậu cần miền. Lần đầu tiên anh gặp ba là qua tấm ảnh thờ.

Anh bảo rằng, chiến tranh là mất mát, hi sinh. Anh nói rằng không chỉ riêng gia đình anh mà hàng ngàn, hàng vạn gia đình cũng từng trải qua đau thương như thế.

Chợt nhớ, câu chuyện hai chị em ruột nhưng chưa một lần gặp mặt vẫn khiến tôi nhớ mãi. Đó là câu chuyện của bà Mai Yến Tuyết, con của mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Dễ.

Tản mạn trong Nghĩa trang liệt sĩ chiều 30-4 ảnh 4
Chiến tranh là mất mát, hi sinh. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.

Mẹ Dễ có sáu người con, chồng và con trai mẹ đều hy sinh trong chiến đấu.

“Ba tôi tham gia Ủy ban kháng chiến của xã, hy sinh năm 1947. Ba mất năm tôi còn nhỏ xíu, mới 4 tuổi, bé quá chưa biết gì. Tôi là con thứ ba. Khoảng 9 tuổi tôi tập kết ra Bắc, là thế hệ học sinh miền Nam, mẹ ở lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Em thứ tư tiếp tục theo cách mạng. Ngày ấy liên lạc còn khó khăn, nên khi em Cầm (liệt sĩ Mai Văn Cầm) hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân, mãi sau này tôi mới biết. Năm đó em mới 23 tuổi, còn chưa lập gia đình.

Người Nam kẻ Bắc nên hai chị em chưa từng một lần gặp mặt. Ngày trở về, lần đầu gặp em là qua tấm ảnh thờ. May em còn có tấm ảnh thời học sinh, ông già đâu có ảnh đâu…”, bà Tuyết nghẹn lời.

Hiện tại, anh linh của ba và em trai bà Tuyết đang yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ Bình Dương.

3. Chưa nhận giấy báo tử, mẹ vẫn đợi anh về…

Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Hoành có bảy người con thì hai con trai hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Ngày đó, các anh mới ngoài 25 tuổi. Năm người con còn lại của mẹ tiếp nối truyền thống anh hùng cách mạng, đều tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mỹ trường kỳ.

“Lúc đó không có tin tức gì, gia đình chỉ nghe phong phanh là hai bác đã hy sinh. Hai bác mất từ những năm 1949-1950 nhưng phải đến khi đất nước giải phóng (sau 1975), gia đình mới nhận được giấy báo tử. Bà nội mất năm 1972, chưa biết tin…”, ông Thắng, cháu nội của mẹ trầm ngâm.

Bao người trai trẻ quyết tâm ra đi mong ngày đánh đuổi giặc ngoại xâm sẽ trở về bên mẹ, sẽ lập gia đình, sinh ra những đứa con ngoan. Bao người mẹ tiễn con ra đi với mong ước đất nước vẹn tròn, thống nhất, chồng, con rồi sẽ về bên mẹ....

Nhưng chiến tranh là mất mát, đau thương. Ngày non sông nối liền một dải, bao gia đình sum họp đoàn viên nhưng cũng có những gia đình, các mẹ cứ mòn mỏi chờ đợi bởi niềm tin chưa nhận giấy báo tử, mẹ vẫn đợi anh về…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm