Tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16, 19, tiếp tục điều chỉnh việc chống dịch

“Các đại biểu đều mong khó khăn qua đi, thuận lợi sẽ đến. Các ý kiến của đại biểu đều tâm huyết, sát với tình hình”, Thủ tướng Phạm Minh Chính mở đầu phát biểu khi kết thúc thảo luận tại tổ ở Quốc hội sáng 21-10.

Thủ tướng ghi nhận các đại biểu đều bày tỏ sự chia sẻ với các bộ, ngành và Chính phủ trong thời điểm khó khăn hiện nay. Đặc biệt, giữa các Ủy ban của Quốc hội và các bộ của Chính phủ, giữa Quốc hội và Chính phủ đều phối hợp rất tốt. 

Theo Thủ tướng, tình hình phòng, chống COVID-19 là điều được các đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm nhất.

“Trong báo cáo ngày hôm qua, Chính phủ cũng đề cập đến chủng Delta gây bất ngờ không chỉ cho Việt Nam mà còn cho thế giới. Các biến chủng mới cũng liên tục xuất hiện. Tối qua tôi cũng gọi điện cho Chủ tịch một tỉnh khi ở đây xuất hiện một ổ dịch lây lan rất nhanh. Sáng nay tôi cho Bộ Y tế xuống nghiên cứu”, Thủ tướng thông tin.

Sau khi giải thích về độc tính của chủng Delta, Thủ tướng nói đó là nguyên nhân phải có ba trụ cột phòng, chống COVID-19.

Đó là giãn cách, cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, chặt nhất để nguồn lây không lan rộng khi chưa có các điều kiện như vaccine, thuốc. Xét nghiệm phải thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây. Điều trị nhanh chóng, tích cực, kịp thời và hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Nếu nhân dân không ủng hộ thì phòng, chống COVID-19 sẽ không thành công. Ảnh: CHÂN LUẬN

“Nhưng nếu nhân dân không ủng hộ thì cũng không làm gì được. Vì vậy Chính phủ luôn nhấn mạnh và đề cao ý thức người dân trong chống dịch”, Thủ tướng khẳng định.

Thời gian gần đây, khi vaccine đã được bao phủ ở phạm vi rộng hơn thì các chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 đã được ban hành. Thủ tướng cho rằng: Nghị quyết 128 của Chính phủ đã được ban hành, nhưng tình hình COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên đó mới chỉ là hướng dẫn tạm thời. Bộ Y tế cũng ra hướng dẫn số 4800 với định hướng như vậy.

“Chúng ta tạm thời không áp dụng các Chỉ thị 15, 16, 19 nữa, nhưng từ diễn biến thực tiễn thì vẫn đang phải bổ sung, điều chỉnh các biện pháp thích ứng với COVID-19 cho phù hợp. Vừa qua đại diện của Tổ chức y tế thế giới (WHO) đánh giá rất cao về cách tiếp cận toàn dân trong phòng, chống dịch”, Thủ tướng nói.

Ngoài các trụ cột trên đây, theo Thủ tướng, các biện pháp khác cũng đã được tiến hành. Chẳng hạn như nâng cao năng lực y tế cơ sở hay thần tốc xây dựng 500 trạm xá lưu động ở TP.HCM. Thực tế phải thần tốc nâng cao năng lực y tế là vì, theo Thủ tướng, điều kiện chúng ta có hạn, năng lực hệ thống y tế cơ sở trong điều kiện bình thường có thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, nhưng trong điều kiện COVID-19 thì khó đáp ứng.

Phương hướng trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định vẫn ưu tiên tập trung phòng, chống COVID-19 nhưng theo các biện pháp phù hợp.

Thủ tướng giải thích: “Vừa qua chúng ta phải dùng các biện pháp hành chính phòng chống dịch khi chưa có vaccine. Các biện pháp này ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế xã hội. Nhưng chúng ta đã cố gắng vận động, ngoại giao, mua vaccine và phủ được vaccine thì chúng ta mới nới lỏng ra được”.

Ngoài tiếp tục nâng cao năng lực y tế cơ sở, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh phải tập trung lo công tác an sinh xã hội. “Hiểu nôm na lo an sinh xã hội là không để dân thiếu ăn, thiếu mặc”, Thủ tướng nói.

Cùng với đó, Chính phủ sẽ tập trung vào xây dựng hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính không để người dân và doanh nghiệp bị phiền hà để điều chỉnh những vấn đề vĩ mô khác cho phù hợp với tình hình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm