Tài xế cán người 3 lần: Đổi khung hình phạt, tăng án lên 18 năm tù

Ngày 29-4, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao, bác kháng cáo xin giảm án, tuyên phạt Đặng Hữu Anh Tuấn 18 năm tù về tội giết người theo khoản 1 Điều 93 BLHS. Trước đó, tại phiên sơ thẩm ngày 24-3, TAND TP.HCM chỉ phạt Tuấn tám năm tù theo khoản 2 Điều 93 BLHS.

Bất chấp mạng sống của người khác

Tại tòa, Tuấn khai đã lái xe container được hơn một năm, có bằng lái. Lúc xảy ra tai nạn, Tuấn thấy nạn nhân chạy đụng vào xe mình nên Tuấn dừng xe lại. Nghe mọi người kêu la, thấy xe máy nằm dưới gầm xe mình, Tuấn biết đã xảy ra tai nạn. Ngay lúc đó, Tuấn nghe điện thoại của chủ hàng gọi đến nên báo cho chủ hàng biết sự việc. Rồi Tuấn nghe mọi người xung quanh la lên rằng “xe cán chết người”, “lùi xe để cứu người”… Do sợ bị đánh và quá hoảng loạn, Tuấn không biết xử lý thế nào mới tiến, lùi xe ba lần để bỏ chạy. Khi tòa hỏi, Tuấn thừa nhận mình biết rõ cơ chế, kỹ thuật sang số xe để tiến, lùi tại thời điểm xảy ra tai nạn.

Đại diện VKS khẳng định lẽ ra khi nghe mọi người kêu cứu, bảo lùi xe cứu người thì Tuấn phải lùi xe để cùng mọi người cứu nạn nhân. Thế nhưng Tuấn lại muốn bỏ chạy khỏi hiện trường nên cố ý lái xe tới lui khiến xe cán qua người nạn nhân nhiều lần, gây ra cái chết rất thương tâm dù phía trước đã có người cản trở.

Theo đại diện VKS, đây là hành vi phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và mang tính chất côn đồ (tình tiết định khung tăng nặng của tội giết người). Cấp sơ thẩm xử Tuấn về tội giết người là có căn cứ nhưng chưa đánh giá đúng tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo nên chỉ phạt Tuấn tám năm tù theo khoản 2 Điều 93 BLHS là chưa chính xác. Do đó, đại diện VKS đã đề nghị tòa phạt Tuấn 20 năm tù theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS.

Tài xế cán người 3 lần: Đổi khung hình phạt, tăng án lên 18 năm tù ảnh 1

Bị cáo Tuấn tại phiên xử. Ảnh: THÁI BÌNH

Tâm lý không hề hoảng loạn

Khoảng 22 giờ ngày 14-5-2009, trên đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú (TP.HCM), xe container do Tuấn điều khiển va chạm với xe máy của em Nguyễn Thị Hội (17 tuổi). Tai nạn làm em Hội ngã vào trục bánh xe sau bên phải của xe container và bị bánh xe hàng thứ tư cán qua đùi. Thấy tai nạn xảy ra, Tuấn cho xe dừng lại.

Lúc này, em Hội vẫn còn tỉnh táo để kêu cứu. Nghe em gọi: “Chú ơi, cứu con với!”, anh Lê Phước Tươi (người đi đường) đã đến kéo em ra khỏi bánh xe. Không kéo em ra được, anh Tươi chạy lên phía trước, dùng xe máy của mình chặn đầu xe container, yêu cầu Tuấn lùi xe lại để cứu nạn nhân.

Dù vậy, Tuấn và phụ xe không xuống xe, cũng không lùi xe mà cho xe chạy lên phía trước khoảng 2 m, đụng vào xe máy của anh Tươi làm bánh xe container cán lên người em Hội. Thấy nhiều người chạy đến kêu la, Tuấn cho xe lùi lại khoảng 3 m làm xe cán lên em Hội lần thứ hai. Liền sau đó, Tuấn đánh tay lái sang trái để tránh xe máy của anh Tươi rồi cho xe chạy về phía trước làm bánh xe container cán lên người em Hội lần thứ ba rồi bỏ chạy... Dù được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng em Hội đã chết tại bệnh viện vì vết thương quá nặng.

Trước đây, đánh giá hành vi phạm tội của Tuấn, cấp sơ thẩm cho rằng lúc xảy ra tai nạn, tâm lý của Tuấn rất hoảng loạn, sợ bị đánh nên chỉ tìm cách bỏ chạy… Tại phiên phúc thẩm này, luật sư của Tuấn cũng lập luận rằng Tuấn mới lái xe nên tay nghề còn yếu. Khi tai nạn xảy ra có rất đông người la ó, lại có người ném đá nên tâm lý Tuấn hoảng loạn, không điều khiển được hành vi của mình, mới tiến, lùi và lái xe bỏ chạy. Tuấn chỉ có lỗi cố ý gián tiếp với hậu quả chết người xảy ra (không mong muốn nhưng có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra) nên mức án tám năm tù mà cấp sơ thẩm phạt bị cáo là phù hợp với tính chất, hành vi phạm tội.

Chủ tọa đặt vấn đề: “Tại sao bị cáo hoảng loạn mà còn nghe được điện thoại và thông báo cho chủ hàng biết đã xảy ra tai nạn? Tại sao bị cáo không lái xe thẳng lên trước, không rẽ bên phải mà lùi lại, rẽ bên trái để bỏ chạy?”.

Theo tòa, bị cáo khai biết rõ xe đã gây tai nạn và muốn lái xe bỏ chạy. Vì thế, bị cáo cho xe tiến lên trong khi chính bị cáo được yêu cầu lùi xe để cứu người. Sau đó, bị cáo lùi xe lại và cho xe tiến lên một lần nữa, lách sang trái khiến xe cán qua người chị Hội ba lần gây ra cái chết rất thương tâm. Quá trình này bị cáo biết cài số để tiến, lùi và rẽ trái tránh người phía trước. Những chi tiết đó thể hiện tâm lý của bị cáo không hề hoảng loạn như lập luận của luật sư.

Đồng tình với VKS, tòa nhấn mạnh: Chỉ vì muốn bỏ chạy, Tuấn đã bất chấp nạn nhân đang nằm dưới bánh xe mình, bất chấp mọi người đang kêu la cứu người, cố ý gây ra cái chết rất thương tâm cho nạn nhân. Hành vi của bị cáo rất nguy hiểm và mang tính chất côn đồ, gây hoang mang dư luận, phản ánh sự xuống cấp về đạo đức của tài xế, đủ dấu hiệu cấu thành tội giết người theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS. Tuy nhiên, do Tuấn có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã khắc phục một phần hậu quả… nên tòa quyết định giảm cho Tuấn một phần hình phạt và tuyên án như trên.

Bị cáo có lỗi cố ý trực tiếp

Sau phiên xử, để làm rõ một số vấn đề, chúng tôi đã trao đổi với thẩm phán Phạm Công Hùng - chủ tọa phiên tòa:

. Thưa ông, động cơ phạm tội của bị cáo là gì? Trường hợp này, bị cáo phạm tội giết người với lỗi cố ý trực tiếp hay gián tiếp?

+ Bị cáo phạm tội vì muốn bỏ chạy. Rõ ràng bị cáo đã có lỗi cố ý trực tiếp. Bởi lẽ bị cáo nhìn thấy xe, nhìn thấy nạn nhân bị tai nạn dưới xe của mình rồi. Xe của bị cáo cũng đã dừng hẳn. Bị cáo chỉ cần phóng xe lên một chút thôi là người phía dưới sẽ gặp nguy hiểm. Trường hợp này buộc bị cáo phải biết hậu quả gì sẽ xảy ra nếu cho xe chạy lên. Chưa kể, nhân chứng có nói phải lùi xe lại để cứu người nhưng bị cáo không những không lùi mà còn phóng luôn. Sau đó do vướng xe phía trước, không chạy được nên bị cáo mới lùi lại, lách sang một bên rồi tiến lên và bỏ chạy. Như thế sao gọi là lỗi cố ý gián tiếp được?

. Cơ sở nào để tòa kết luận hành vi phạm tội của bị cáo mang tính chất côn đồ, thưa ông?

+ Tính chất côn đồ trong hành vi phạm tội của bị cáo phải hiểu là bị cáo coi thường sinh mạng của người khác, biết nếu làm như vậy sẽ dẫn đến hậu quả chết người nhưng vẫn cứ tiếp tục làm, cố tình làm. Rõ ràng bị cáo chỉ cần lùi xe một chút thôi là cứu được người nhưng lại không lùi mà vẫn cứ cố tình tiến lên. Trường hợp côn đồ này khác với sự hung hăng, càn quấy, đánh nhau như những vụ án khác.

. Sau phiên sơ thẩm, đã có dư luận rằng bị cáo cố tình cán chết nạn nhân để né việc phải bồi thường lâu dài, thưa ông?

+ Việc tài xế cố tình cán nạn nhân cho chết hẳn để né bồi thường lâu dài là hành vi giết người vì động cơ đê hèn (điểm q khoản 1 Điều 93 BLHS). Ở vụ án này, nói như vậy là không có cơ sở kết luận. Nguyên tắc là khi xét xử, tòa chỉ xem xét những vấn đề nào đã rõ ràng. Mọi thứ đều phải được phơi bày một cách rõ ràng tại phiên tòa và phải chứng minh được, kết luận được. Trong khi đó, bị cáo cố tình làm nạn nhân chết thì đã rõ nhưng còn động cơ có phải là nhằm né bồi thường lâu dài hay không thì rất khó đánh giá và không chứng minh được. Đánh giá không được, chứng minh không được mà kết luận như vậy sẽ oan cho bị cáo.

Trường hợp một tài xế cố tình cán nạn nhân chết để né bồi thường thì mức án sẽ cao hơn rất nhiều!

. Xin cảm ơn ông.

VĂN ĐOÀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm