Tài sản tăng thêm: Sẽ tịch thu nếu chứng minh là do tham nhũng

Sáng nay (20-11), đại biểu Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) với 93,20%.

Cụ thể, có 465 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 95,88%) với 452 đại biểu tán thành (chiếm 93,20%), sáu đại biểu không tán thành và bảy đại biểu không biểu quyết.

Trước đó, đại biểu QH thông qua Điều 30, Điều 64 và Điều 80 của luật này với số đại biểu tán thành lần lượt là 96,49%, 95,67% và 95,46%.

              Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng.

Chưa thể thu thuế tài sản, thu nhập tăng thêm

Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng.

Về ý kiến Điều 30, UBTVQH cho biết luật quy định giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước.

“Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người kê khai còn lại công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước. Các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức mình…” - báo cáo nêu.

Về quy định từng gây nhiều tranh cãi đối với việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc thông qua trình tự xem xét, giải quyết tại tòa án.

Nhưng nhiều ý kiến tán thành với phương án xử lý thông qua thu thuế và nhiều ý kiến đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, tài sản, thu nhập này sẽ bị xử lý khi cơ quan có thẩm quyền chứng minh được là do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có.

Về vấn đề này, UBTVQH đề nghị QH cho phép chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào dự thảo luật mà thực hiện như quy định của pháp luật hiện hành.

“Theo đó, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì tiến hành thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật tương ứng; nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế.

Đồng thời, Điều 31 của dự thảo luật đã bổ sung quy định về chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tăng cường việc xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này…” - bà Lê Thị Nga thông tin.

Kê khai tài sản không trung thực bị xóa tên

Đối với người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì luật đã quy định việc xử lý nghiêm khắc hơn so với pháp luật hiện hành.

Cụ thể, theo bà Lê Thị Nga, người ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử. Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến. Người có nghĩa vụ kê khai khác thì bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, nếu đã được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.

Về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước, có ý kiến đại biểu QH đề nghị không điều chỉnh công ty đại chúng trong dự thảo luật này. Nhưng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định để điều chỉnh các doanh nghiệp “sân sau”, doanh nghiệp tư nhân có quan hệ cung cấp hàng hóa, mua bán tài sản… với khu vực công thì cần phải kiểm toán ba năm sau khi kết thúc hợp đồng.

UBTVQH nhận thấy công ty đại chúng là loại hình doanh nghiệp có sự huy động vốn góp của rất nhiều cổ đông, hoạt động của loại hình doanh nghiệp này ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế nên cần áp dụng một số biện pháp về công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích và chế độ trách nhiệm người đứng đầu là phù hợp với thực tiễn, yêu cầu của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và chủ trương từng bước mở rộng áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng sang khu vực ngoài nhà nước.

Đối với các doanh nghiệp “sân sau”, doanh nghiệp tư nhân có quan hệ cung cấp hàng hóa cho khu vực nhà nước thì dự thảo luật cũng đã có quy định để điều chỉnh.

“Cụ thể, Điều 20 quy định người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn... Không được để người thân kinh doanh trong những lĩnh vực mà mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước; không được để người thân giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mà mình là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu...” - bà Lê Thị Nga nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm