Thủ phủ titan kêu cứu - Bài cuối

‘Tài nguyên quốc gia phải được gìn giữ!’

Sau cuộc họp giữa lãnh đạo tỉnh Bình Thuận với Ban Kinh tế Trung ương cùng các bộ, ngành liên quan để tìm hướng ra cho tình trạng “thủ phủ titan kêu cứu” hiện nay, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận.

Ông Hùng nói: “Chúng tôi đã có cuộc họp với ông Cao Đức Phát, Phó ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, cùng đại diện các cục, vụ của Bộ TN&MT và các bộ, ngành liên quan để xem xét toàn diện quy hoạch titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận theo Quyết định số 1546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2013. Tại cuộc họp, tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị Ban Bí thư có ý kiến với Ban cán sự đảng Chính phủ về vấn đề này”.

Phải lo cho dân và bảo vệ môi trường

. Phóng viên: Thưa ông, mục tiêu đặt ra cao nhất của tỉnh Bình Thuận trong cuộc làm việc trên là gì?

+ Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Mục tiêu cao nhất là phải lo cho dân sinh và môi trường. Như anh đã biết, Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất Việt Nam. Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống, quyết định sự phát triển và đi lên của tỉnh trong khi titan tại Bình Thuận lại phân bổ trong tầng chứa nước rất nghèo về trữ lượng.

Thực tế cho thấy nước là nguồn cung cấp cho nhu cầu dân sinh, sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch ven biển. Do đó cần phải cân nhắc, sử dụng và phải ưu tiên cho dân sinh, sinh kế của người dân và phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương trước.

Việc cung cấp nước cho hoạt động khai thác titan cũng được xem xét nhưng phải sau khi cân đối các nhu cầu đã nói ở trên. Đây là thời điểm phải nhìn nhận thật sự nghiêm túc, toàn diện lại quy hoạch titan này bởi việc khai thác nước không có quy hoạch sẽ gây ra nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước, tác động xấu đến môi trường và đời sống của nhân dân.

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận nhiều nhiệm kỳ qua luôn đau đáu, quan tâm nhất là làm sao tạo ra được nhiều nguồn nước để phục vụ dân sinh và phát triển, đưa Bình Thuận đi lên. Do đó cần phải có cơ chế bảo vệ, quản lý tài nguyên nước, kể cả nước mặt và nguồn nước ngầm - tài nguyên dưới lòng đất để sử dụng một cách hợp lý, lâu dài và bền vững.

. Thưa ông, hiện nay trên thế giới, chỉ những nước có công nghệ tiên tiến, tiềm lực kinh tế lớn mới có thể tạo ra các sản phẩm giá trị cao từ quặng titan trong khi quy hoạch titan lại đặt ra mục tiêu chế biến sâu đến mức tạo ra titan kim loại và hợp kim titan. Ngoài ra, quy hoạch này còn đặt mục tiêu phát triển Bình Thuận thành một trung tâm khai thác, chế biến quặng titan quy mô lớn nhất Việt Nam. Có ý kiến cho rằng nếu chưa có công nghệ chế biến cao thì nên đưa titan vào dự trữ?

+ Đây cũng chính là vấn đề mà tỉnh Bình Thuận đã có nhiều khảo sát, đánh giá, họp bàn và đưa ra dự thảo để đề xuất. Thực tế khai thác titan hiện nay chỉ tập trung vào việc khai thác, tận thu quặng thô và chưa nâng cao được giá trị thương phẩm của titan qua chế biến.

Tôi nghĩ trung ương sẽ xem xét, đối chiếu với tình hình thực tế ở địa phương để có chính sách phù hợp. Làm sao để dù dự trữ hay khai thác cũng không ảnh hưởng, tác động đến cộng đồng dân cư ở tỉnh Bình Thuận.

Sẽ có cơ chế dự trữ tài nguyên titan

. Quy hoạch titan trên hiện chồng lấn 33 dự án phát triển kinh tế, xã hội với diện tích lên đến hơn 4.500 ha. Những doanh nghiệp đã “lỡ” đầu tư nhưng không may lại vướng vào khu vực chồng lấn với quy hoạch titan đã mất nhiều cơ hội và tiền bạc, công sức, thời gian. Họ đang trong tình cảnh “đi cũng dở, ở không xong”. Điều này đang gây khó khăn gì cho phát triển kinh tế, xã hội của Bình Thuận và tỉnh đã đề xuất hướng tháo gỡ ra sao?

+ Cám ơn anh đã đặt câu hỏi này, tỉnh cũng chia sẻ và tính toán rất cụ thể câu hỏi anh vừa đề cập.

Đúng là tỉnh đang đề xuất tháo gỡ khó khăn cho những doanh nghiệp đã được chấp thuận đầu tư nhưng vướng quy hoạch titan nên phải dừng lại.

Trước mắt, cần phải đề xuất điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với địa phương và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang bị chồng lấn vì quy hoạch titan. Thực tế nhiều nhà đầu tư đã rất nản lòng khi dự án của họ đã được chấp thuận đầu tư nhưng theo Luật Khoáng sản thì những khu vực quy hoạch khai thác titan không được thực hiện các dự án khác.

Tháng 12-2017, báo cáo Thủ tướng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Công Thương sẽ rà soát quy hoạch titan và có báo cáo gửi Thủ tướng vào tháng 12-2017. 

Trước mắt, Ban Kinh tế Trung ương đã đồng ý sẽ kiến nghị với Ban Bí thư, với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan áp dụng cơ chế mở, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư này hoạt động tốt để giảm bớt những thiệt hại trong thời gian qua.

. Như vậy Ban Kinh tế Trung ương và các bộ, ngành đã đồng ý với đề xuất, kiến nghị của Bình Thuận và quy hoạch titan năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ sẽ được điều chỉnh?

+ Trước mắt, Ban Kinh tế Trung ương đã có kết luận với nội dung sẽ kiến nghị những đề xuất của tỉnh Bình Thuận để tháo gỡ những khó khăn thời gian qua cho tỉnh.

Ban Kinh tế Trung ương cũng kiến nghị Ban Bí thư, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần có cơ chế dự trữ khoáng sản titan bởi tài nguyên của quốc gia cần phải được gìn giữ.

. Xin cám ơn ông.

Không thể hy sinh nguồn nước ngọt cho titan

Bình Thuận là tỉnh có nhiều nắng, nhiều gió và không có mùa đông. Dựa trên số liệu đo gió tính được năng lượng gió của tỉnh đạt được 7÷9,8 tỉ kWh/năm. Bên cạnh đó, năng lượng mặt trời cũng rất cao, đạt được 1,0÷3,0 tỉ kWh/năm. Do đó Bình Thuận rất thuận lợi cho việc phát triển thành trung tâm năng lượng sạch. Ngoài ra, với cảnh quan thiên nhiên ven biển, Bình Thuận cũng rất thuận lợi trong việc phát triển du lịch.

Về khai thác titan, con số gần 559 triệu tấn quặng theo quy hoạch là con số ảo dựa vào những tính toán thiếu cơ sở khoa học. Nếu thăm dò bài bản và tính toán đúng phương pháp thì quặng titan ở Bình Thuận không nhiều, hiệu quả khai thác không cao.

Đó là chưa nói đến việc khai thác quặng titan cần một lượng nước rất lớn trong khi Bình Thuận là địa phương khô hạn nhất nước. Tôi cho rằng nước ngọt ở Bình Thuận còn quý hơn cả titan nên không thể hy sinh nguồn nước ngọt và các cảnh quan môi trường để phục vụ các dự án khai thác titan.

Vì thế, thay vì phát triển thành trung tâm titan, Bình Thuận nên phát triển thành trung tâm du lịch và năng lượng sạch.

TS NGUYỄN THÀNH SƠNnguyên Trưởng ban 
Chiến lược Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam

 

Hệ quả như thế phải có người chịu trách nhiệm chứ!

Qua theo dõi loạt bài “Thủ phủ titan kêu cứu”, tôi thấy từ quy hoạch nguồn tài nguyên đến cấp phép, giám sát các doanh nghiệp khai thác titan đều có những vấn đề rất đáng lo ngại, đặc biệt là hệ quả về môi trường sinh thái. Do các khâu này không thực hiện theo quy định về bảo vệ môi trường, không lường trước được hậu quả tổn thất về tài nguyên môi trường, gây thất thu tiền thuế ngân sách… Thực tế hiện nay việc khai thác titan không đóng góp nhiều cho ngân sách Bình Thuận, trong khi đó hệ quả môi trường về lâu dài là khá nặng nề.

Tôi cho rằng cần phải làm rõ những thiệt hại về môi trường và cả những thiệt hại về kinh tế, xã hội do những bất hợp lý từ quy hoạch cũng như sai phạm mà các dự án khai thác titan đã, đang và sẽ gây ra cho Bình Thuận. Từ đó truy trách nhiệm các đơn vị liên đới. Vì tài nguyên là nguồn lợi chung của quốc gia, do đó nếu khai thác không hiệu quả thì phải có ai đó chịu trách nhiệm chứ! Nếu không có đơn vị nào chịu trách nhiệm thì nguồn tài nguyên sẽ tiếp tục bị “xà xẻo”, còn môi trường thì bị tàn phá. Đây không phải là câu chuyện riêng của tỉnh Bình Thuận mà là vấn đề chung của quốc gia.

TS PHẠM VIẾT THUẬN, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học
và kỹ thuật TP.HCM

TRUNG THANH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm