Tai nạn Su-22U: Các anh ngã xuống giữa thời bình

Các anh đã nằm xuống trong sự đau đớn tột cùng của người thân. Con của các anh còn quá nhỏ để cảm nhận nhưng sẽ là khoảng trống mênh mông phía trước chờ các cháu.

Một ngày tháng 7 cách đây bốn năm, 18 chiến sĩ trong vụ rơi máy bay quân sự ở  Thạch Thất (Hà Nội) đã vĩnh viễn ra đi. Hôm đó trời đổ mưa tầm tã.

Cũng vào một ngày tháng 7 của bốn năm về trước, bầu trời Tổ quốc cũng đã tiễn biệt 18 chiến sĩ hy sinh trong vụ máy bay Mi-171 rơi tại thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.

Tang lễ của các anh hôm ấy có lẽ là một ngày tang tóc nhất của không chỉ lực lượng phòng không, không quân giữa thời bình, mà còn là ngày tang tóc của toàn quân và cả nước.

Hôm đó trời Hà Nội đổ xuống nhà tang lễ một trận mưa rấm rứt, hòa vào nước mắt của những người đến dự. Họ là đồng đội, người thân, có cả những người phụ nữ buôn thúng, bán buôn ở gần đó. Hôm ấy họ nghỉ làm, chẳng phải là người quen biết nhưng họ đứng lặng một góc nhà tang lễ và lau vội những giọt nước mắt.

Chúng tôi gặp cả những người lính già mái tóc đã bạc trắng, họ đến để tiễn đưa những người lính đầu xanh về nơi chín suối.

Những đứa trẻ đang mang bộ đồ tang màu trắng vẫn tinh nghịch trên vai đồng đội của bố. Có những cháu lúc đó mới chỉ chừng hai tuổi. Các cháu còn quá nhỏ để hiểu được ý nghĩa những giọt nước mắt hay sự đau đớn tột cùng của mẹ.

“Thương quá anh ạ, các cháu còn bé quá”, một cán bộ ở Trung đoàn 921 (đơn vị của hai phi công vừa gặp nạn ngày 26-7) nói với tôi như vậy khi đề cập đến hoàn cảnh của các anh.

Nhà văn Chu Lai, trong một cuộc trò chuyện đã tâm sự: "Điều khác biệt ở những người lính trên chiến trường là mỗi khi ra trận họ luôn xác định đó là ngày cuối trong cuộc đời mình. Người lính vì thế luôn trong tâm thế chủ động đón nhận cái chết, một cái chết mà sự ra đi của họ đã hàm chứa một trạng thái bi hùng".

Sự ra đi của người lính ở chiến trường hay người lính trong thời bình chắc chắn cũng hàm chứa một trạng thái bi hùng như thế. Nhưng các chiến sĩ giữa thời bình của chúng ta đã không còn kịp để ôm hôn vợ con lần cuối, nói lời yêu thương lần cuối trước khi ra đi. Đó là một sự bi hùng đẫm nước mắt giữa thời bình của những người ở lại.

Các anh đã vĩnh viễn rời xa bầu trời Tổ quốc nhưng bầu trời Tổ quốc vẫn được các thế hệ đồng đội của các anh thay phiên nhau bảo vệ.

Trên bầu trời xanh, các anh luôn hiện diện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm