Tai nạn chết người do rào đường, xử ai?

Vụ tai nạn hôm 28-2, tại góc đường Lê Thị Hồng Gấm - Calmette (quận 1) đã khiến một người đi bộ tử vong tại chỗ vì bị xe buýt ép vào hàng rào công trình đang thi công.

Hơn 10 “lô cốt” ảnh hưởng giao thông

Theo báo cáo của Thanh tra Sở GTVT, hiện trên địa bàn TP.HCM có 72 “lô cốt”, nằm trên 32 tuyến đường, trong đó hơn 10 trường hợp ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông như khu vực đang lắp đặt cống thoát nước trên đường Trần Hưng Đạo B - Phùng Hưng (quận 5), cải tạo hệ thống thoát nước đường Lãnh Binh Thăng (quận 11)…

Tại vị trí xảy ra tai nạn trên, rào chắn đã chiếm hết phần lề đường khiến người đi bộ phải bước xuống lòng đường. Khi luồng xe lưu thông đông và nhanh sẽ rất dễ gây ra va chạm. Theo quan sát của phóng viên, tại đây một bên là hàng rào tôn của dự án The One. Phía còn lại cũng có hàng rào của công trình sửa chữa bảo tàng Mỹ thuật TP và xây dựng tòa nhà Eximbank. Thêm vào đó là một hàng dài xe ô tô đậu hết gần một nửa bề rộng đường.

Hiện trường vụ TNGT  ngày 28-2 tại góc đường Lê Thị Hồng Gấm - Calmette (quận 1) khiến ông Đỗ Văn Đặng chết. Ảnh: M.QUý

Một người dân ở đây cho biết: “Tôi chứng khiến nhiều lúc xe buýt chạy ẩu, ép người sát vào vách tôn của công trình. Có khi họ phải chui qua dây hàng rào, lên vỉa hè để tránh tai nạn”.

Tại đường Trang Tử (quận 5), vỉa hè chỉ còn lại khoảng 1 m do rào chắn của công trình cải tạo cống thoát nước kéo dài 10 m. Thế nhưng 1 m này cũng bị người dân chiếm dụng làm nơi buôn bán. Cộng thêm việc đậu xe dưới lòng đường đã đẩy người đi bộ nhiều lúc phải ra tới… giữa đường.

Theo ông Nguyễn Bật Hận, Phó Chánh Thanh tra - Sở GTVT TP.HCM, thời gian qua, Sở đã kiểm tra xử phạt tám trường hợp liên quan đến rào chắn công trình, số tiền phạt là 40 triệu đồng. Các lỗi phổ biến là: Để vật liệu ngoài phạm vi thi công, không hoàn trả phần đường khi thi công… Ngoài ra, thanh tra sở còn nhắc nhở 24 trường hợp khác. Sắp tới, Sở sẽ yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác đào đường, tái lập mặt đường. Trong đó nội dung diện tích rào chắn, tổ chức điều tiết giao thông sẽ được nhấn mạnh.

Quy trách nhiệm cho ai?

Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn nói trên xác nhận nhà thầu thi công có giấy phép rào chắn của Sở GTVT và có bố trí nhân viên bảo vệ điều tiết giao thông. Tuy nhiên, qua đo đạc, đơn vị thi công đã lấn chiếm ngoài ranh hàng rào 0,2 m. Việc lấn chiếm mặt đường này là vi phạm quy định. Nhà thầu thi công (Công ty Bitexco Chi nhánh TP.HCM) đã bị phạt hành chính vì hai lỗi: Rào chắn công trình không đúng theo giấy phép và thi công không đảm bảo an toàn giao thông, để xảy ra tai nạn.

Nhiều tài xế xe buýt biện bạch vì quy định xe buýt phải chạy đúng giờ nên họ bắt buộc phải chạy nhanh. Trong khi đó, ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP, cho biết: “Trường hợp tài xế trễ giờ nhưng có lý do chính đáng vẫn được chấm công bình thường, không xử phạt”. Như vậy không thể đổ lỗi vì quy định mà phải chạy nhanh, gây tai nạn.

Luật sư Cao Xuân Thái, Đoàn Luật sư TP.HCM, nói: “Trong trường hợp này, trách nhiệm của tài xế xe buýt đã rõ. Phía thi công lập rào chắn lố ra đường là vi phạm giấy phép. Như vậy, chủ đầu tư và tài xế xe buýt phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân. Mức độ bồi thường sẽ căn cứ trên kết luận của cơ quan điều tra”.

MINH QUÝ

 

Tai nạn do rào chắn thiếu an toàn

Tối 6-9-2013, vụ “sập hầm” xảy ra trên đường Chế Lan Viên (quận Tân Phú) vì phần rào chắn thiếu an toàn khiến anh Nguyễn Văn Vũ cùng xe máy biển số 75F1-021.59 lao xuống hố sâu 3 m.

Ngày 28-4-2013, một tấm tôn sắt của hàng rào thi công một công trình bất ngờ đổ ra đường Hồng Bàng (quận 6) khiến một loạt xe đang lưu thông phải vội bẻ lái đột ngột để né tránh.

Tối 26-6-2008, gần 30 vụ tai nạn, trượt ngã đã xảy ra tại giao lộ Lý Thường Kiệt - Nghĩa Phát (quận Tân Bình). Lý do, sau khi tháo rào chắn, nhà thầu hoàn trả mặt đường chỗ thi công thấp hơn đến 12 cm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm