Tái định cư thủy điện: Dân khổ đủ bề!

- thông tin trên được đưa ra tại hội thảo Thủy điện miền Trung và sự tham gia của người dân do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) và Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam (QNAUSTA) tổ chức, ngày 3-10.

Bà Phan Thị Qua (thôn Bến Ván 4, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), phản ánh: “Để xây dựng nhà máy thủy điện Tả Trạch công suất 18.000 kW, gia đình bà cùng hàng trăm hộ dân của năm xã phải di dời đến khu tái định cư. Hơn 3.000 ha rừng tự nhiên và mỏ nước khoáng tự nhiên giờ đã chìm trong nước. Vào mùa mưa, thủy điện xả nước để bảo vệ đập khiến lũ chồng lũ. Còn mùa nắng, nhà máy trữ nước để chạy điện nên hạ lưu khô cạn, dân chúng tôi khổ đủ bề. Từ ngày chuyển về khu tái định cư, nhiều hộ dân bị mất đất sản xuất, không có việc làm, phải bỏ làng đi nơi khác làm ăn” - bà Qua nói.

Bà Trần Thị Kim Hoa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, cũng cho hay: Vùng hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn chịu ảnh hưởng trực tiếp của các công trình thủy điện ở thượng nguồn. “Ngày xưa dòng sông quê tôi rất rộng, thuyền ghe tấp nập. Nhưng từ ngày có các thủy điện, vào mùa khô dòng sông khô cạn, giao thông đường thủy bị ách tắc. Mùa mưa thì cứ thấp thỏm lo thủy điện xả lũ. Nhiều cánh đồng lúa, ngô trù phú trước kia giờ bị cát bồi đắp” - bà Hoa cho hay.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra những hậu quả nhãn tiền do các dự án thủy điện gây ra như mất rừng, thiếu đất sản xuất, đời sống người dân bị đảo lộn… Nhiều dự án tái định cư thủy điện được xây dựng theo kiểu đối phó, không đảm bảo chất lượng, thiếu nước sạch. Người dân không có đất sản xuất phải phá rừng đầu nguồn để canh tác.

Ông Võ Hồng, Trưởng ban kinh tế và ngân sách HĐND Quảng Nam, cho hay các dự án tái định cư thủy điện đang được triển khai theo quy trình ngược. Đó là xây dựng những khu tái định cư, đưa dân vào ở rồi mới tính đến các yếu tố đất sản xuất, tìm việc làm cho họ.

Theo ông Lê Anh Tuấn (VRN), để tự bảo vệ mình, người dân cần cẩn trọng hơn khi tham gia quy trình tham vấn cộng đồng về các dự án thủy điện. Ông Tuấn dẫn thực tế: Trong các bảng tham vấn cộng đồng, hầu hết người dân đều đồng ý ký tên. Nguyên nhân do họ không nắm rõ quy trình cũng như các nội dung được đề cập trong các bảng tham vấn. “Ở nước ngoài, khi tham vấn cộng đồng, người ta mời các nhà xã hội học, khoa học… đến giải thích cho người dân hiểu về các tác động của thủy điện đến đời sống người dân như thế nào. Còn ở ta thì không làm như vậy” - ông Tuấn nói.

TẤN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm