Diện mạo báo chí Việt Nam - Bài 2:

Sức mạnh của độc giả

Bài 1:Thử phác họa diện mạo báo chí sau 'quy hoạch'

Bài 2: Sức mạnh của độc giả

Nhân đọc bài “Thử phác họa diện mạo báo chí” trên TBKTSG số 22 ra ngày 28-5-2015, người viết muốn góp thêm một số ý kiến cho làng báo trong dịp kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam vừa qua.

Các tờ báo lớn nhỏ, trong và ngoài nước đang phải chống chèo, ứng phó, thích nghi với trào lưu số hóa. Người đọc chuyển dần sang lướt web, lên mạng thay cho đọc báo giấy truyền thống, bởi đọc báo mạng vừa nhanh, vừa tiện lợi. Và cái chính là lên mạng, người đọc cảm nhận rõ ràng tính không chia cắt, không biên giới của thông tin. Báo giấy từ đó ngày càng trở nên thất bát, hầu như tờ nào cũng sụt giảm số phát hành, có tờ phải rút lui, phá sản...

Sức mạnh của độc giả ảnh 1
Độc giả chính là người dẫn dắt, quyết định sự tồn tại và đường hướng phát triển của báo chí. Ảnh minh họa: vietq.vn

Đó là một trong nhiều ví dụ cho thấy sức mạnh của độc giả đang làm lung lay những nền móng cơ bản mà mấy chục năm trước ai cũng nghĩ là vô cùng vững bền của báo chí truyền thống - gọi nôm na là báo chí “giấy trắng mực đen”. Và ngày càng rõ ra một điều: độc giả chính là người dẫn dắt, quyết định sự tồn tại và đường hướng phát triển của báo chí.
Đó mới chính là yếu tố quyết định chứ không phải là cách tổ chức báo chí theo ngành, theo địa phương…
Từng có ý kiến băn khoăn hệ thống các cơ quan báo chí được tổ chức như vậy khó có thể làm tốt chức năng “diễn đàn của nhân dân” như Luật Báo chí quy định mà chẳng qua chỉ là cái loa phát ngôn, tuyên truyền và đánh bóng cho các cơ quan, tổ chức liên quan.
Các chức năng khác của báo chí như phản biện xã hội, góp tiếng nói xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật, đấu tranh chống vi phạm pháp luật, tiêu cực... xem ra cũng khó thực hiện một cách hiệu quả.
Việc quá chú trọng đến phương thức tổ chức báo chí theo đơn vị hành chính đã bỏ quên một nguyên lý hết sức cơ bản, đó là tôn trọng “sức mạnh của độc giả” - quyền lựa chọn của độc giả.
Thực vậy. Những người làm báo và các cơ quan quản lý báo chí hẳn ít nhiều từng tham gia tranh cãi xung quanh câu chuyện phân chia lĩnh vực, xác định địa bàn. Không ít lần có ý kiến từ cấp quản lý bảo: “tờ đó chuyên về nông thôn, nông nghiệp sao lại đi bàn chuyện đô thị”; “tờ kia của TPHCM sao cứ nói chuyện các tỉnh”...
Có ý kiến giải thích trong báo chí cũng cần có sự phân công, dựa trên đặc thù của từng cơ quan báo chí, phù hợp tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ mà tờ báo nhắm đến để từ đó hình thành các cơ quan báo chí chuyên sâu, hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực của mình, trên địa bàn của mình...
Điều đó có phần đúng nhưng chưa đủ, nhất là trong thời buổi bùng nổ thông tin, thông tin đã không còn chia cách, không còn biên giới.
Đồng ý rằng mỗi tờ báo có đặc thù riêng và theo quy định, có đối tượng chủ yếu để nhắm tới, nhưng đến nay, với thực tế phát triển báo chí, nhiều về số lượng, đa dạng về chủng loại, thông tin trở nên thông suốt, không có vùng miền, không phụ thuộc địa giới hành chính... điều này phải được hiểu thế nào?
Thực tế hiện nay, có những báo quá chuyên biệt như Thể thao, Ô tô xe máy, Văn nghệ... thì họ chấp nhận trong “ngõ hẹp” với số phát hành có mức độ. Nhưng cũng có những tờ chuyên ngành mà để phục vụ tốt hơn cho độc giả cơ hữu của mình, họ phải mở rộng thông tin, truyền tải đến bạn đọc của mình những thông tin phổ quát, thuộc quan tâm của số đông, không phân biệt tầng lớp, nghề nghiệp, giới tính, địa bàn...
Tôi nhớ có một tổng biên tập đã nói, đại ý: bạn đọc bây giờ không đủ tiền, không dễ dàng bỏ tiền ra để mua nhiều loại báo đâu! Vậy thì có cần phân biệt “báo hẹp, báo rộng”.
Đương nhiên, những tờ báo thời sự - chính trị -xã hội rộng đường “tung hoành” hơn, nhưng lại cũng còn vướng bởi sự phân biệt trung ương - địa phương.
Theo tôi, cần thống nhất một điều: báo chí phải được phục vụ bạn đọc rộng rãi và thông tin rộng khắp.
Điều này thể hiện rõ nhất, sinh động nhất vai trò của người đọc, sức mạnh của độc giả. Bạn đọc là người chọn lựa, quyết định. Thích tìm hiểu, nắm bắt thông tin sâu về thể thao, bóng đá, họ tìm đọc các tờ về thể thao, bóng đá. Thích đi sâu vào các vấn đề văn hóa, văn nghệ, họ có thể tìm đến các báo văn hóa, văn nghệ... Là doanh nhân, họ ưu tiên các tờ chuyên về kinh tế, kinh doanh. Những người làm công tác pháp luật, chọn lựa đầu tiên là các tờ báo chuyên ngành pháp luật.
Thế nhưng, điều đó không có nghĩa những người đọc đặc thù này bỏ qua các thông tin về lĩnh vực của mình trên các tờ báo không phải chuyên ngành. Và các tờ báo chuyên ngành không được phép truyền tải đến bạn đọc của mình những thông tin phổ quát, thuộc quan tâm của số đông, không phân biệt tầng lớp, nghề nghiệp, giới tính, địa bàn...
Tương tự như vậy, cũng xuất phát từ nhu cầu thông tin của bạn đọc, không thể cấm báo của TPHCM nói chuyện ở Bình Dương, Đồng Nai hay chuyện ở Cần Thơ, Cà Mau, thậm chí ở Hà Nội, Thái Nguyên... cũng như không thể cấm người ở các địa phương này tìm đọc, đặt mua báo của TPHCM với lý do họ không phải là “đối tượng phục vụ”, không thuộc “phạm vi phát hành chủ yếu” của tờ báo ấy (?).
Sự phân công giờ đây, nếu có, cũng chỉ mang tính tương đối. Cái chính là phụ thuộc vào nhu cầu thông tin, sở thích của người đọc. Họ sẽ tìm đến những tờ báo uy tín, đàng hoàng, thương hiệu đã được khẳng định qua thời gian, không phân biệt tờ báo đó thuộc trung ương hay địa phương, báo Đảng, báo nhà nước hay báo đoàn thể, báo chính trị - xã hội hay báo chuyên ngành...
Từ đó, có thể nói, thực tiễn ngày càng cho thấy rõ là không thể dùng các biện pháp quản lý hành chính để bó hẹp lĩnh vực, địa bàn thông tin của báo chí.

Kiểu quản lý theo lĩnh vực, địa bàn, phân biệt báo rộng - báo hẹp, báo trung ương - địa phương... ít nhiều khiến người ta liên tưởng đến câu chuyện “ngăn sông cấm chợ” ngày trước bởi được nhìn từ góc độ người đưa tin chứ không phải từ góc độ người tiếp nhận thông tin.

Theo Hoàng Minh
(Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 23-6-2015)

Kỳ tới: Báo chí Việt Nam trong môi trường tin tức đầy biến động

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm