Sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự: Nên cho luật sư tham gia phiên hòa giải

Có luật sư sẽ hay hơn

Sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự: Nên cho luật sư tham gia phiên hòa giải ảnh 1

Giữ nguyên quy định về tạm đình chỉ

Trong quá trình lấy ý kiến cho dự thảo nhiều người cho rằng nên bổ sung thêm các điều kiện về chờ ý kiến, chờ văn bản, tài liệu của cơ quan chuyên môn, kết quả định giá để làm căn cứ tạm đình chỉ. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng như vậy là quá rộng, dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng kéo dài việc giải quyết vụ án. Do đó bản chỉnh lý giữ nguyên quy định như dự thảo là tạm đình chỉ khi hết thời hạn giải quyết mà các đương sự chưa cung cấp được tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của tòa.

Nhiều chuyên gia đề xuất phiên hòa giải phải có sự tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.

TS Nguyễn Thị Hoài Phương (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng thật vô lý khi luật sư là đại diện của đương sự nhưng lại chỉ được tham gia tại tòa mà lại không có ở khâu hòa giải. Làm như vậy là tòa đã hạn chế quyền được biết và nghĩa vụ bảo vệ của họ với đương sự trong quá trình tham gia tố tụng. Có luật sư ở phiên hòa giải sẽ giúp quá trình giải quyết vụ án nhanh hơn vì có thể chính họ sẽ phân tích, tác động đương sự hòa giải thành.

Theo một thẩm phán TAND quận 11 (TP.HCM) ngoài vấn đề trên còn nhiều vấn đề sát sườn khác đang gây khó khăn cho hoạt động xét xử nhưng cũng chưa được dự thảo đề cập. Đó là chuyện tống đạt các văn bản tố tụng cho đương sự vắng mặt thông qua UBND phường, xã. Bởi hiện nay, cán bộ tòa án chỉ mang văn bản đó đến niêm yết công khai tại ủy ban chứ luật chưa quy định quy trình chặt chẽ như thế nào thì quá trình tống đạt đó mới xong. Cạnh đó, việc đương sự nộp đơn khởi kiện bổ sung hiện các thẩm phán cũng chia thành hai quan điểm khác nhau là chấp nhận và không chấp nhận. Nếu chấp nhận thì khi ấy buộc tòa án phải nhập hai vụ án thành một rất mất thời gian nên cần được quy định rõ.

Quy định thống nhất về lệ phí

Bản tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành đã bổ sung quy định về thẩm quyền giải quyết của tòa với một số phát sinh trong quá trình thi hành án (THA) dân sự. Đó là thụ lý yêu cầu xác định phần sở hữu tài sản riêng trong khối tài sản chung bị kê biên; thụ lý giải quyết quanh việc tranh chấp kết quả bán đấu giá tài sản THA, tranh chấp về thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá.

Phó Cục trưởng Cục THA dân sự TP.HCM Vũ Quốc Doanh cho biết còn có một vướng mắc lớn trong hoạt động THA cần được tháo gỡ là tiền tạm ứng lệ phí THA. Điều 128 (BLTTDS) quy định tiền này đương sự nộp cho cơ quan THA có thẩm quyền, sau đó tùy vào bản án mà cơ quan THA nộp vào ngân sách hay trả lại cho đương sự. Tuy nhiên, Luật THA dân sự lại không quy định vấn đề này... Do vậy, cơ quan lúng túng nhiều chỗ. Chẳng hạn, khi đương sự mang tiền đến nộp tạm ứng lệ phí theo yêu cầu của tòa, cơ quan THA không nhận thì sai với BLTTDS nhưng nhận và sau đó ra quyết định THA thì lại sai với Luật THA vì không có quy định. Ông Doanh cho rằng luật sửa đổi BLTTDS cần phải xem xét kỹ vấn đề này để chỉnh sửa cho thống nhất với Luật THA dân sự.

Họ đã nói

Nên xã hội hóa việc định giá

Về việc định giá tài sản trong TTDS, tôi nghĩ phải chuyên biệt bằng cách xã hội hóa hoạt động này, giao cho các cơ quan định giá tư nhân. Bởi theo dự thảo, Sở Tài chính được giao nhiệm vụ làm chủ tịch hội đồng, như vậy chưa ổn vì công việc chuyên môn của họ là giúp việc cho ủy ban thì lấy thời gian, nhân lực mà giúp tòa định giá. Đó là chưa kể việc vất vả thành lập hội đồng xong, đưa ra kết quả định giá còn bị đương sự khiếu nại lên xuống. Với vai trò là đại biểu Quốc hội, trong quá trình thảo luận ở tổ, tôi cũng đã nói nhiều về vấn đề này.

Bà NGÔ MINH HỒNG, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM

Thời hiệu khởi kiện đã ổn

Tôi nghĩ quy định về thời hiệu khởi kiện hiện nay là hai năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự bị xâm phạm là hợp lý. Vì trong dự thảo có thêm cụm từ “biết được” quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm là rất mơ hồ. Ngoài ra, nó còn mâu thuẫn với Luật Trọng tài và Luật Thương mại.

TS NGUYỄN THỊ HOÀI PHƯƠNG, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Trao quyền cho thẩm phán

Tôi cho rằng dự thảo nêu việc giám định lại được thực hiện khi một trong các bên đương sự yêu cầu nếu thấy kết luận thiếu khách quan là chưa chính xác. Phải sửa lại theo hướng khi thẩm phán thấy kết luận đó có vi phạm, thiếu khách quan thì có quyền ra quyết định yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại. Không nên coi yêu cầu của đương sự là một điều kiện bắt buộc...

Thẩm phán ĐỖ KHẮC TUẤN, TAND TP.HCM

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.