Sửa đổi Bộ Luật Hình Sự: Có thể xử lý hình sự pháp nhân?

Tại hội thảo lấy ý kiến sửa đổi BLHS ngày 25-12 (do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức tại TP.HCM), vấn đề có thể xử lý hình sự pháp nhân không đã được đưa ra mổ xẻ khá kỹ. Cạnh đó việc mở rộng, thu hẹp hành vi trong một tội danh như thế nào cho phù hợp cũng được bàn luận.

Sửa đổi Bộ Luật Hình Sự: Có thể xử lý hình sự pháp nhân? ảnh 1
Cá nhân đã bị xử lý hình sự liệu tới đây pháp nhân cũng sẽ bị xử lý? Ảnh minh họa: HTD

Pháp nhân cũng giống cá nhân

Theo PGS-TS Nguyễn Thái Phúc (Giám đốc Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp), vấn đề này đã được đưa vào dự thảo đầu tiên trong tờ trình BLHS năm 1999. Từ đó đến nay khoa học hình sự đã phát triển mạnh, nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh có thể xử lý hình sự pháp nhân. Ông Phúc phân tích khi tham gia vào các quan hệ xã hội, hành động của pháp nhân không phải tự phát mà là có nhận thức, có định hướng đến mục tiêu cụ thể. Thực tế nhiều ngành luật đã thừa nhận lỗi của pháp nhân đồng nhất với lỗi của nhân viên và người đại diện của pháp nhân đó. Việc thừa nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong luật là phù hợp với nhu cầu phòng, chống tội phạm và xu hướng phát triển chung của thế giới.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên và đại diện Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng Nguyễn Thái Bình cũng đồng tình việc xử lý hình sự pháp nhân. Theo thứ trưởng, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế về các lĩnh vực. Ngoài dân sự, hành chính thì chỉ khi nào hình sự hóa được trách nhiệm của pháp nhân thì lúc ấy công tác chống tội phạm xuyên quốc gia mới đạt kết quả cao.

Mở rộng hay thu hẹp tùy tội danh

Một vấn đề khác cũng được quan tâm là cơ cấu tội danh trong BLHS hiện chưa hợp lý. Một đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề xuất nên mở rộng hành vi trong một tội danh bằng cách hạ thấp mức định lượng hoặc không định lượng quy mô hành vi. Chẳng hạn tội chứa chấp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, vì định lượng giá trị tài sản trộm cắp phải từ 2 triệu đồng trở lên nên nếu người trộm cắp không phạm tội thì người chứa chấp và tiêu thụ cũng không phạm tội. Tuy nhiên, thực tế có trường hợp một người chứa chấp và tiêu thụ tài sản phạm tội của nhiều kẻ trộm (giá trị trộm dưới 2 triệu đồng) thì lại rất nguy hiểm. Tài sản của mỗi kẻ trộm chỉ 1,5 triệu đồng nhưng 10 kẻ trộm là 15 triệu đồng. Cạnh đó, một số tội khác thì cần phải thu hẹp hành vi và chủ thể thực hiện hành vi. Ví dụ hành vi tàng trữ, mua bán chất ma túy nhỏ lẻ. Thực tế đây là những con nghiện mua bán vài tép để sử dụng cho mình không có mục đích kiếm lời. Nhưng theo Điều 194 BLHS và văn bản hướng dẫn thi hành thì dù mua bán, tàng trữ số lượng dù rất nhỏ từ 0,1 g trở lên là phạm tội, dẫn đến việc xử lý tràn lan không cần thiết…

Dòng sự kiện

Ba mô hình xử lý hình sự pháp nhân

1. Pháp nhân và cá nhân là chủ thể độc lập

Mô hình này áp được các nước theo hệ thống thông luật như Anh, Mỹ, Canada, Úc; một số nước thuộc hệ thống pháp luật Roma- Giecmanh như Áo, Bỉ, Pháp, Đức, Hà Lan, Bồ Đào Nha; một số nước nguyên là thuộc địa của Anh, Pháp... Ngoài những quy định chung như cá nhân luật còn có những quy định riêng về trách nhiệm hình sự cho pháp nhân.

2. Xử lý về bản chất

Mô hình này nhấn mạnh hơn yếu tố lỗi và chỉ thừa nhận cá nhân (thể hiện lợi ích của pháp nhân) là chủ thể của tội phạm (nhưng nếu pháp nhân tham gia thì cả hai đều bị xử lý). Nhiều người gọi mô hình này có tính ước lệ hoặc trung gian vì xét hình thức pháp nhân không phải chủ thể nhưng thực chất vẫn bị xử lý nếu có lỗi. Các nước Ý, Thụy Điển, Tây Ban Nha... đang áp dụng.

3. Xử lý hành chính

Hạn chế của mô hình là không phù hợp trong việc đánh giá tính chất nguy hiểm cho xã hội của pháp nhân và cá nhân cùng tham gia một tội phạm. Các chế tài hành chính dù mạnh như rút giấy phép kinh doanh, cấm hoạt động, giải tán… cũng không đủ mạnh để phù hợp với tính nguy hiểm của tội phạm. Hệ quả là một số pháp nhân chấp nhận “hy sinh” để người đại diện thực hiện hành vi phạm tội. Mô hình này được một số nước có chính sách ôn hòa như Nga áp dụng.

(Trích tham luận của PGS-TS Nguyễn Thái Phúc)

***

Chưa thể đổ hết cho người đứng đầu

Đồng tình với việc xử lý hình sự pháp nhân, tuy nhiên ông Nguyễn Thái Bình (Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng) cho rằng việc cá thể hóa trách nhiệm cho người đứng đầu pháp nhân hiện nay là không công bằng và thiếu chính xác. Nhiều pháp nhân như doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo nghị quyết của hội đồng quản trị nhưng sai phạm thì chỉ người đứng đầu chịu trách nhiệm là không đúng vì chưa chắc người đứng đầu ấy đã đồng ý theo hướng của hội đồng quản trị.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm