Sự thật vụ người lao động kêu cứu ở Nhật

Theo đó, sự việc bắt đầu từ đề nghị giúp đỡ từ một cá nhân là Nguyễn Quang Hưng, đang làm việc tại nhà máy Seinan tại tỉnh Iwate, công ty con của công ty Freesia House Corporation (6-8-3 Sotokanda Chiyoda-Ku,  Tokyo). Sau khi nhận được tin, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã có buổi làm việc với Công ty Freesia House tại Tokyo để nắm tình hình sơ bộ.

Theo đó, chỉ có 33 lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc theo diện kỹ sư thông qua hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với Công ty Freesia House. Trong số 33 lao động này, có chín lao động làm việc tại nhà máy Seinan tại tỉnh Iwate, gồm lao động Nguyễn Quang Hưng và tám lao động khác. Chiều 18-3, đại diện Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã đến nhà máy Seinan, tại tỉnh Iwate nơi lao động Hưng và tám lao động Việt Nam khác đang làm việc để kiểm tra tình hình thực tế điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động.

Theo phản ánh của tám lao động Việt Nam đang làm việc tại nhà máy Seinan, lá đơn là do lao động Hưng tự viết, với những ý kiến của riêng cá nhân lao động Hưng chứ không phải là ý kiến chung của tập thể lao động và cũng phản ánh không đúng thực tế về điều kiện làm việc, ăn ở của người lao động tại nhà máy Seinan.

Đi làm việc ở nước ngoài phải tăng cường học tập và làm việc.

Tám lao động này cho biết lao động Hưng sống và làm việc cùng nhà máy với nhóm lao động này nhưng không hòa nhập với tập thể. Trong công việc, anh Hưng cũng không có sự chủ động, tự giác mà phải nghe sự nhắc nhở của người Nhật làm cùng thì mới làm việc.

Thêm nữa anh Hưng cũng không chịu khó học tập tiếng Nhật để làm tốt công việc được giao. Từ ngày 1-3 công ty thông báo, anh Hưng không phù hợp và sẽ chấm dứt hợp đồng lao động cho về nước. Đến ngày 14-3 đã có quyết định chính thức nên anh Hưng đã rời khỏi nhà máy Seinan đi đến trung tâm của Tổng Công ty Freesia ở Tokyo để tiếp tục giải quyết.

Về các điều kiện làm việc ăn ở, sinh hoạt của những lao động làm việc tại nhà máy Seinan của anh Hưng đa phần không đúng sự thật. Theo các lao động này, tổng thu nhập hằng tháng của người lao động là hơn 200.000 yen, sau khi trừ chi phí tiền nhà, gas, điện, nước, bảo hiểm,... các lao động còn giữ lại khoảng 100.000-120.000 yen trong tài khoản. Về vấn đề chỗ ở, các lao động cho biết họ hài lòng với chất lượng nơi ở cũng như đồng ý với Công ty Seinan về mức khấu trừ tiền nhà mà công ty này đang thực hiện.

Về ăn uống, những lao động này cho biết việc ăn gạo lứt là truyền thống của công ty, tất cả lao động làm việc tại đây từ người Nhật Bản, người Việt Nam và cả lao động đến từ các nước khác đều ăn như vậy. Các bữa ăn lao động đều đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để lao động có năng lượng làm việc.

 

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, để tránh những vụ việc tương tự xảy ra, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nói chung và đi làm việc ở Nhật Bản nói riêng phải tìm hiểu kỹ các điều kiện làm việc, ăn ở trong hợp đồng sẽ ký với công ty sử dụng lao động nước ngoài và chỉ ký hợp đồng khi đã thực sự hiểu cũng như đồng ý với các điều kiện đó.

Người lao động cần có ý thức học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ để nâng cao khả năng xử lý và hiệu quả công việc trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Khi sang nước ngoài làm việc, người lao động phải tuân thủ pháp luật nước sở tại, quy định của nơi làm việc cũng như các điều kiện trong hợp đồng đã ký. Người lao động cần phải chăm chỉ làm việc, ham học hỏi, và hòa nhập với đồng nghiệp để hoàn thành tốt công việc.

Trong trường hợp các điều kiện làm việc và ăn ở thực tế không được đảm bảo như hợp đồng đã ký, người lao động không được tự ý nghỉ việc mà cần liên hệ với các cơ quan chức năng (Cơ quan quản lý lao động địa phương nơi người lao động làm việc; doanh nghiệp/tổ chức phái cứ; Ban Quản lý lao động Việt Nam/Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước sở tại…) để được can thiệp hỗ trợ yêu cầu các điều kiện làm việc và ăn ở như hợp đồng đã ký cho người lao động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm