Sốt đất tại 3 đặc khu do ‘tầm nhìn’

Chiều 4-6, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về tình hình náo loạn đất đai tại các đặc khu tương lai, giao bờ biển cho doanh nghiệp và lãng phí đất công.

“Sốt đất là tự nhiên, chuyển mục đích trái phép mới nghiêm trọng” (?)

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) hỏi: Thị trường đất đai tại các địa phương Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (nếu tới đây được QH thông qua sẽ thành đặc khu) đang hết sức sôi động, diễn biến phức tạp, gây bức xúc xã hội. Bộ trưởng có biết chuyện đó không? Chính phủ, Bộ TN&MT, địa phương đã giải quyết thế nào, đã thực sự yên tâm chưa?

Trả lời, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà thừa nhận ở đây có vấn đề về “tầm nhìn”. Thông thường khi có kỳ vọng đầu tư hoặc có tương lai phát triển hạ tầng tại khu vực nào thì quy luật thị trường đất đai tại đây sẽ thay đổi, sốt nóng. “Chúng ta biết quy luật này nhưng chưa có giải pháp ngăn ngừa ngoài việc ban hành biện pháp hành chính để ngăn chặn” - ông Hà nói.

Nhắc lại câu chuyện sốt đất tại Long Thành (Đồng Nai) cách đây năm năm, ông Hà cho rằng chính quyền địa phương thời điểm đó cũng ra chỉ thị nhằm ngăn chặn hoạt động chuyển nhượng đất nhưng thực tế giao dịch chuyển nhượng ngầm vẫn diễn ra.

Với ba địa phương có thể thành đặc khu, theo ông Hà, sốt đất là vấn đề tự nhiên nhưng vấn đề nghiêm trọng là chuyển mục đích sử dụng đất rừng, nông nghiệp trái phép. Những giao dịch này được tiến hành ngầm, trái pháp luật trong khi năng lực quản lý, sự nhạy cảm của chính quyền trong việc này chưa kịp thời.

Từ thông tin Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ trở thành đặc khu kinh tế, giá đất tại ba nơi này tăng 2-3 lần, cá biệt có nơi tăng 5-6 lần so với trước. Trước thực tế này, chính quyền ba địa phương trên đã có quyết định tạm dừng chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng nhằm kiểm soát cơn sốt đất.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà bình luận việc UBND đưa ra các nội dung trong chỉ thị về dừng chuyển nhượng đất đai tại ba địa phương trên là đúng đắn, song hình thức chỉ thị lại không phù hợp pháp luật. Để bảo đảm tính khả thi, ông Hà đề nghị Quốc hội nên ban hành nghị quyết, có quy định mang tính đặc thù quản lý đất đai. Rộng hơn, chúng ta phải tính toán trong cơ chế, chính sách đất đai trong Luật Đất đai (sửa đổi) sắp tới để tính toán trước được vấn đề như ĐB nêu.

Đặc biệt, thời điểm này các địa phương xem lại hồ sơ để quản lý hiện trạng đất đai. Từ đó, tính toán bồi thường đảm bảo công bằng, để người cống hiến, đóng góp, khai hoang xứng đáng được hưởng, còn những người đầu cơ không có cơ hội nào trong việc này.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí ( Hà Nội) chất vấn bộ trưởng Bộ TN&MT về việc sốt đất tại các khu vực dự kiến làm đặc khu. Ảnh: QH

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn. Ảnh: QH

Bờ biển của nhân dân, không thuộc doanh nghiệp

ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) hỏi: “Trong quá trình phát triển, nhiều địa phương đã giao hàng vạn hecta đất cho tổ chức, doanh nghiệp xây dựng dự án đô thị, khu du lịch, làm mất quyền tiếp cận chính đáng của người dân với biển, gây khó khăn trong sinh hoạt và đời sống. Hướng xử lý vấn đề này thế nào?” - ĐB chất vấn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng TP Đà Nẵng là một ví dụ khá rõ ràng và vừa qua chính quyền nơi này đã xử lý rất rốt ráo. Luật TN&MT biển có quy định về bảo vệ hành lang bờ biển, theo đó từ đường ranh giới chiều cao trở vào 100 m thì không đầu tư công trình mang tính chất thương mại, kinh tế... Tuy nhiên, quy định này chưa được thực thi nghiêm trên thực tế. “Quan điểm của chúng tôi, bờ biển không thuộc DN nào, tổ chức nào, bờ biển và sử dụng biển là của nhân dân” - ông Hà khẳng định.

ĐB Phan Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng hiện nay quản lý sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế. “Bộ TN&MT đã và sẽ làm gì để góp phần khắc phục những hành vi vi phạm quản lý đất trong thời gian qua, như chậm đưa đất vào sản xuất, sử dụng đất sai mục đích để đất bị lấn chiếm, thất thoát lãng phí?” - ĐB hỏi. Người đứng đầu ngành TN&MT thừa nhận quy hoạch, quản lý đất đai còn hạn chế, yếu kém và đặc biệt lưu ý đến việc giao đất công cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp, đất giao cho các phường, xã hay giao cho các doanh nghiệp nhà nước. Thực tế có vấn đề sử dụng không đúng mục đích hoặc để đất đai lãng phí...

“Trung ương và địa phương cần sớm xem xét, rà soát lại quỹ đất, việc sử dụng đất... Vừa qua tôi thấy Hà Nội và bốn địa phương khác đã thu hồi trên 77.000 ha các dự án có quyết định phê duyệt nhưng đầu tư chậm, không đạt tiến độ, để đất đai lãng phí, sai mục đích; thu hồi lại và đấu giá để lựa chọn các nhà đầu tư khác” - ông Hà thông tin.

Bức xúc trường học thành bãi trông giữ xe

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) hỏi: Đô thị hiện nay rất thiếu chỗ đỗ xe nhưng cứ đề xuất xây bãi đỗ xe thì được trả lời là không có quỹ đất. Tuy nhiên, mới đây Hà Nội tự rà soát đã phát hiện 499 bãi trông giữ xe trái phép. “Con số này tôi nghĩ chưa phải con số cuối cùng. Chưa kể tiền trông giữ xe không biết chảy về đâu” - ĐB Cương nói và chất vấn: “Hiện tại, hầu hết các trường học đều biến thành điểm trông giữ xe ngày và đêm”.

Trả lời, ông Hà cho rằng vai trò quản lý đất đô thị thuộc về UBND các tỉnh/TP, kể cả cấp quận, cấp huyện, cấp phường, cấp xã. “Các dự án nói không có quỹ đất, nếu có lỗi ở chúng tôi, là chúng tôi chưa bố trí khi quy hoạch đất đai cho địa phương đó” - ông Hà nói và thừa nhận, Hà Nội chỉ có 7% trong quỹ đất cho giao thông tĩnh và giao thông động. “Thông qua ví dụ ĐB nêu có cả vấn đề triển khai cụ thể hóa quy hoạch, có vấn đề không sử dụng tốt nhiều quỹ đất khi di dời các DN cổ phần hóa... Tôi không đồng tình tí nào việc các trường học, trường đại học... trở thành nơi giữ xe ngày đêm. Điều này không đảm bảo an toàn môi trường và không đúng quy hoạch” - Bộ trưởng Hà nói thêm và cho rằng nên có quy hoạch tính toán căn cơ và nhiều biện pháp để bãi giữ xe tốt hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm